Nông dân trồng mía lo lắng

26/02/2018 - 08:16

Những ngày qua, khi thông tin lượng đường tồn kho còn khá lớn khiến không ít nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp lo lắng. Bởi thực tế huyện Phụng Hiệp là vùng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, giá mía những năm gần đây phụ thuộc trực tiếp vào giá đường trên thị trường.

A A

Những người trồng mía như ông Tẻo rất lo lắng cho tình cảnh đường tồn kho vì khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá thu mua mía.

Canh tác 4 công mía hơn 1 tháng tuổi, tuy nhiên những ngày gần đây khi nghe thông tin phải “giải cứu đường” thì gia đình ông Phan Văn Tẻo, ở xã Hiệp Hưng vô cùng lo lắng. Bởi diện tích mía của gia đình hiện nay đã đầu tư gần 15 triệu đồng, nếu tiếp tục bỏ ra chi phí thêm cho cây mía trong tình cảnh đường tồn đọng như hiện nay thì không biết hiệu quả sẽ ra sao. Ông Tẻo tâm sự: “Đường tồn đọng quá nhiều không bán được sẽ kéo theo giá mía rẻ, đây là thực tế tồn tại trong nhiều năm qua. Chính vì thế, mong Nhà nước có những động thái tích cực để giải quyết vấn đề này. Qua đó, cũng giúp nông dân trồng mía an tâm sản xuất”.

Tâm trạng của ông Tẻo đang là nỗi lo chung của nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp hiện nay. Bởi theo thông tin được công bố thì Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (một trong hai đơn vị thu mua mía trực tiếp ở huyện Phụng Hiệp) hiện còn tồn kho gần 30.000 tấn đường. Chưa kể với diện tích xuống giống 7.500ha vụ này, sản lượng ước đạt 735.000 tấn thì vùng mía Phụng Hiệp sẽ tạo ra trên 60.000 tấn đường trong vụ thu hoạch tới đây. Ông Cao Văn Chính, nông dân ở huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Theo bản thân nghĩ để giải cứu cho doanh nghiệp thì bằng mọi giá người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam. Chứ bây giờ người dân cứ chạy theo thị trường thích đồ nhập khẩu, trong khi đường Việt Nam chi phí sản xuất ra cao hơn đường của Thái Lan do công nghệ của mình không bằng, chi phí trồng mía cao. Vì thế, phải khuyến cáo người dân dùng hàng của mình, mình làm ra thì mình phải sử dụng. Còn sản xuất ra đường mà bán không được thì tới đây doanh nghiệp nào dám thu mua mía nữa, nông dân trồng mía sẽ gặp khó”.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như hưởng ứng lời kêu gọi “giải cứu đường” của lãnh đạo Tỉnh ủy, mới đây tại hội nghị sơ kết công tác sau tết, ông Nguyễn Văn Lẫy, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cũng đã phát động kêu gọi các cơ quan, ban, ngành và Nhân dân trong huyện có trách nhiệm trong việc giải cứu mía đường, qua đó cũng là giải cứu cho nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp. Số lượng cụ thể sẽ được UBND huyện giao chỉ tiêu cho từng đơn vị. Ông Lẫy cho hay: “Là vùng nguyên liệu mía nên cán bộ và Nhân dân trong huyện phải có trách nhiệm cùng nhau giải cứu ngành mía đường. Theo đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và thủ trưởng, cán bộ các cơ quan ban, ngành, xã, thị trấn trong huyện phải tham gia mua đường để cùng giải quyết tình trạng đường tồn kho. Mình cứu được nhà máy đường vượt qua cơn khó khăn này thì tới đây các nhà máy đường mới tiếp tục thu mua mía trong dân, giúp nhà máy đường chính là giúp nông dân trồng mía trong huyện”.

Khó khăn của ngành mía đường hiện nay đang rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Bởi vượt qua cơn khó khăn này thì người nông dân mới mong gắn bó lâu dài với cây mía.

Theo DUY KHÁNH (Báo Hậu Giang)