Nông dân với tư duy làm ăn mới

14/12/2018 - 07:13

 - Với những đổi thay trong đời sống xã hội, nông dân (ND) An Giang dần tiếp cận với cách làm ăn liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (SX) để cho ra những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, để tư duy làm ăn mới phổ biến trong ND, các cấp, ngành cần giải quyết bài toán "đầu ra", tạo niềm tin cho ND.

Từ tư duy làm ăn liên kết

Gần 5 năm kể từ khi Tổ hợp tác (THT) SX rau an toàn phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) đi vào hoạt động, ngần ấy thời gian ông Huỳnh Văn Bình gắn bó với mô hình này. Ông là ND “rặt” với tư duy trồng rau bán chợ.

Tuy nhiên, ông sớm nhận thấy hiệu quả của việc liên kết ND tham gia vào THT để trồng rau an toàn. Vì rau, củ còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khiến ông trăn trở và suy nghĩ. Vì thế, trồng rau an toàn vừa giữ “cái tâm”, vừa giúp ông Bình liên kết mọi người để cùng nhau tìm hướng đi cho sản phẩm, bớt lệ thuộc thị trường.

“Sau 5 năm hoạt động, THT hiện có 57 thành viên canh tác 9,5ha, chủ yếu trồng rau ăn lá. THT sẽ tìm thị trường, sau đó đặt hàng các thành viên để cung cấp  sản phẩm cho khách hàng. Thực tế, rau của ND trong THT trồng luôn đảm bảo đúng thời gian cách ly thuốc BVTV, sử dụng đúng nhóm thuốc dành cho rau ăn lá và đảm bảo đúng nồng độ theo hướng dẫn nhà SX. Ngoài ra, trong quá trình thu mua rau của thành viên, chúng tôi còn sơ chế, sục o-zon, đóng bao bì có in logo, địa chỉ THT” - ông Bình giải thích.

Thực tế, THT là hình thức gắn kết ND vào một tập thể có chung mục tiêu, cách làm và đại diện ND trước thị trường. “ND rất muốn tham gia vào THT để cùng SX rau an toàn bởi ngoài lợi nhuận, họ còn nghĩ tới “cái tâm”. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó trong việc tiếp cận thị trường dù đã được địa phương, ngành chuyên môn hỗ trợ. Chỉ mong, người tiêu dùng sẽ thay đổi nhận thức để “mặn mà” hơn với rau an toàn vì chính sức khỏe của họ. Thời gian tới, số lượng thành viên của THT sẽ tăng lên 110 người, với diện tích 15ha. Điều đó cho thấy tư duy kết nối thị trường của ND đã có chuyển biến  nhưng làm sao để họ thực sự tin tưởng vào hoạt động của các THT còn là câu hỏi khó” - ông Bình nhận định.

Đến làm ăn “có hợp đồng”

Đứng bên mảnh đất đang được cày xới kỹ lưỡng chuẩn bị xuống giống lúa Hana, ông Hồ Vinh Trường (ND xã Bình Mỹ, Châu Phú) đang có vụ thứ 3 liên tiếp gắn bó cùng mô hình liên kết SX lúa Nhật với Công ty Angimex - Kitoku. Với ông Trường, việc làm ăn theo kiểu ký kết hợp đồng bao tiêu rất lý tưởng, bởi đáp ứng đúng mong mỏi của ND lâu nay là có "đầu ra" ổn định.

“Mình ký kết hợp đồng với công ty thì có thể yên tâm về "đầu ra". Mức giá thu mua cao hơn lúa “ngang” khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg. Công ty hỗ trợ ND về nguồn giống, cho ứng chi phí để khử lẫn và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình canh tác. Nếu trồng lúa “ngang”, tôi phải “nhìn mặt” thương lái mà bán. Rồi lệ thuộc mấy ông “cò lúa”, ngày giờ thu hoạch do họ quyết định, lúc cân "chê lên, chê xuống". Khi liên kết trồng lúa Nhật, ND không bận tâm giá cả”- ông Trường cho biết.

Theo ND này, lúa Nhật có năng suất không cao bằng các giống trong nước. Năng suất của giống Hana trong vụ đông xuân là 950kg/công và vụ hè thu 650kg/công. Tuy nhiên, với giá thu mua 7.400 đồng/kg của công ty thì ông Trường vẫn đạt mức lãi trên 4 triệu đồng/công.

“Do giá cao nên vụ lúa tới tôi sẽ trồng lúa Nhật trên diện tích 14ha. Thật ra, ND vẫn thích cách làm ăn bao tiêu sản phẩm để không phải "trông ngóng" thị trường. Vì vậy, ngoài tôi còn có mấy hộ ở xã Bình Mỹ trồng lúa Nhật, bởi họ nhận thấy những cái hay từ mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm”- ông Trường thật tình.

Với những ND chưa quen làm lúa Nhật, họ sẽ gặp khó trong kỹ thuật canh tác sao cho đúng quy trình, việc khử lẫn mất nhiều công sức lẫn chi phí. Sau khi thu hoạch, ND phải chở lúa đến kho của công ty khiến nhiều người ái ngại vì họ đã quen thương lái thu mua tại ruộng.

“ND rất muốn làm ăn với công ty để đảm bảo “ăn chắc” từng hạt lúa mình phải “1 nắng, 2 sương” mới có được. Chỉ mong phía công ty sẽ có hướng điều chỉnh giá thu mua cao hơn hoặc hỗ trợ ND trong việc chuyên chở lúa đến kho. Như vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ “quay lưng” với cây lúa Nhật, bởi mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm là bước tiến dài trong việc tháo gỡ khó khăn đầu ra cho ND”- ông Trường khẳng định.

Những người như ông Bình, ông Trường là tiêu biểu cho tư duy làm ăn mới của ND thời hội nhập. Họ sẵn sàng tiếp cận cái mới, sẵn sàng kết nối với thị trường, bắt tay với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm. Vì thế, họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương để thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

THANH TIẾN