Nông nghiệp An Giang ứng dụng công nghệ cao

03/01/2018 - 01:00

 - An Giang là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) vào sản xuất với nhiều kết quả đáng ghi nhận, là hướng đi đúng đắn hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp (NN). Việc UDCN tiên tiến vào sản xuất tạo ra sản phẩm NN có năng suất cao, chất lượng tốt...

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về NNƯDCNC, các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Năm 2017, để phục vụ cho phát triển NNƯDCNC, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện 110 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cơ sở. Từ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất NN giúp giảm tiêu hao nguyên - vật liệu đầu vào cũng như giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, quan trọng nhất là tạo ra nông sản an toàn. Đây là xu hướng tất yếu của nền sản xuất hiện đại mà An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến. Những kết quả đạt được từ nhiệm vụ KH&CN là cơ sở cần thiết để người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Mô hình ươm giống CNC ở TX. Tân Châu

Theo Sở KH&CN, thời gian qua, việc chọn tạo được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là hoạt động quan trọng, giúp nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thêm thu nhập cho nông dân (ND). Đến nay, bước đầu đã chọn tạo được giống lúa nếp, giống lúa đặc sản phục vụ cho sản xuất ở các vùng chuyên canh nếp của tỉnh.

Bên cạnh đó, đang nghiên cứu nâng cao chất lượng bò giống và hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế của đàn bò thịt tại An Giang. Việc ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng phát triển với nhiều cây trồng, mô hình mới ở nhiều địa phương. Theo đó, việc xây dựng mô hình mẫu trồng cây thanh long ruột đỏ UDCNC mở ra hướng làm ăn mới cho ND 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên.

Từ việc xây dựng cụ thể mô hình và tập huấn kỹ thuật cho ND thực tế quan sát từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch giúp bà con ghi nhận, đúc kết kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thành công trồng cây cà tím gốc ghép tại Chợ Mới, An Phú, TX. Tân Châu với năng suất cao, khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn đạt trên 70%, bệnh khảm đạt 80%... là tín hiệu vui với ND ở các địa phương.

Trại thực nghiệm KH&CN đã và đang xây dựng mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu khi cung cấp hàng ngàn bịch phôi nấm linh chi, bào ngư các loại cho ND trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Trại thực nghiệm KH&CN thử nghiệm thành công mô hình trồng và thu bào tử từ nấm linh chi đỏ có sử dụng máy tạo ẩm bằng sóng siêu âm và thiết bị điều khiển bằng điện thoại di động, quạt hút.

Cụ thể, đợt 1 trồng 2.000 bịch phôi nấm linh chi, cho thu hoạch được 35,5kg linh chi khô, 0,7kg bào tử; đợt 2 trồng 2.000 phôi nấm, thu hoạch lần thứ nhất của đợt 2 là 13kg nấm linh chi khô và đang ghi nhận những kết quả tiếp theo hoàn thiện quy trình thu bào tử nấm linh chi...

Việc phát triển mới các mô hình dịch vụ và CN sản xuất liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa cho đến phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ƯDCNC đã phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị của sản xuất NN.

Điển hình, như: đang xây dựng mô hình đa canh UDCNC tạo cảnh quan phục vụ du lịch tại TP. Châu Đốc; thử nghiệm thành công mô hình trồng măng tây xanh tại vùng chuyên canh màu xã Bình Thạnh (Châu Thành)...

Năm 2017, thực hiện theo Quyết định 567/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN đã hỗ trợ kinh phí trên 18 tỷ đồng, với 34 dự án cấp tỉnh (trong đó 16 dự án chuyển tiếp và 18 dự án triển khai mới). Từ đó, góp phần phát triển ngành, nghề theo hướng ổn định và bền vững, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cho địa phương...

Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN