Nông nghiệp phát triển ổn định

28/12/2018 - 09:47

 - Năm 2018, dù gặp nhiều bất lợi do thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... nhưng với sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành duy trì và phát triển ổn định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết, địa phương đang tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Mục tiêu là nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân. Thời gian qua, huyện yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết sản xuất. Đồng thời, phát huy những mô hình đặc thù kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn giữ vai trò đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất nông sản chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, năm 2018, dù gặp nhiều bất lợi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng cả năm toàn huyện trên 83.087ha (lúa gần 80.550ha), đạt 105,34% so với kế hoạch. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt gần 514.736 tấn (tăng trên 10.805 tấn so cùng kỳ) và năng suất bình quân cả năm đạt 6,39 tấn/ha (tăng 0,15 tấn/ha so năm 2017). Đến nay, toàn huyện Châu Thành chuyển đổi trên 1.103ha đất trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng màu trên 766ha và trên 337ha cây ăn trái.

Nông dân tham quan, học hỏi kỹ thuật cạnh tác lúa tiên tiến

Không chỉ quan tâm tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Châu Thành còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả kinh tế và bền vững, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Huyện tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.Đồng thời, tập trung xây dựng và hình thành các liên kết ngang phục vụ cho “Cánh đồng lớn”, chuỗi sản xuất rau màu, nấm ăn, cây ăn trái và chuỗi liên kết sản xuất cá tra... gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Qua đó, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm canh tác. Năm 2018, huyện đã triển khai thực hiện 52 nhà trồng nấm ăn, với trên 216.400 bịch phôi theo hướng công nghệ cao; gieo tinh nhân tạo cho 88 con heo và 29 con bò; nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGap 50ha; nuôi lươn không bùn 0,1ha; nuôi lươn theo theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 80m2 tại xã Vĩnh Bình; nuôi tôm toàn đực thực hiện tại xã An Hòa với diện tích 0,3ha…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau màu

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết, thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp và các ngành hàng thế mạnh của huyện. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái, gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đầu ra sản phẩm và phù hợp với điều kiện của địa phương. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, theo hướng an toàn sinh học, giảm giá thành sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU