Núi Dài nhỏ một thời bom đạn

30/04/2018 - 07:20

 - Núi Dài Năm Giếng (còn gọi Ngũ Hồ Sơn, núi Dài nhỏ, tọa lạc xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang) cao 265m, chu vi 8.751m. Sở dĩ có tên này là vì trên núi có 5 nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Ngọn núi hiểm trở đã từng che chở chiến sĩ cách mạng, là điểm tựa vững chắc qua 2 cuộc kháng chiến của quân và dân địa phương.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã An Phú, ngọn núi chính thức “tham gia cách mạng” sau năm 1945, khi lực lượng Quốc vệ đội đóng quân luyện tập, xây dựng căn cứ lâu dài và làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh. Năm 1950, việc tổ chức in ấn truyền đơn, tài liệu cách mạng được thực hiện ở núi. Năm 1959, Ô Tà Bang (một địa danh trên núi) được Chi bộ A (An Phú) chọn làm căn cứ hoạt động bất hợp pháp bên ngoài, trực tiếp lãnh đạo du kích, nội tuyến diệt ác, phá kiềm.

Đến năm 1960, căn cứ trên núi trở thành căn cứ của huyện. Ấp chiến đấu Mai Trung (Xuân Tô) nối liền Tây Hưng với núi Dài nhỏ là một tuyến phòng thủ phía mặt lộ (bởi có vườn cây, ruộng rẫy liên hoàn) nối liền với căn cứ Ô Tà Bang, kéo dài sang các căn cứ khác, rất thuận lợi cho cách mạng hoạt động lâu dài.

Năm 1961, căn cứ được mở rộng từ Điện Bướm đến chân núi Cậu. Du kích gài mìn, trái, làm hầm chông, công sự chiến đấu và chống bom pháo; tổ chức canh gác đánh địch càn… Căn cứ ngày càng được củng cố vững chắc, là nơi trú đóng của Văn phòng Huyện ủy, quân y, lực lượng vũ trang thoát ly và các xã chưa có căn cứ.

Bà Lê Thị Kiến trò chuyện cùng phóng viên

Ngày 25-3-1963, 1 tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 31 địch tiến quân càn vào núi Kéc và Ô Tà Bang. 12 du kích An Phú cùng 25 du kích xã Xuân Tô, Nhơn Hưng kết hợp địa phương quân huyện đánh trả quyết liệt. Cuối cùng, lực lượng diệt 42 tên, bắt sống 1 tên, thu 18 súng, đẩy lùi được mũi tấn công của địch.

Ngày 18-7-1963, trận phục kích ở bọng Xã Lành thành công, địa danh này trở thành “bọng tử thần” đối với địch. Bị đánh đau, chúng buộc phải rút khỏi căn cứ và vùng giải phóng chúng chiếm được của cách mạng. Căn cứ núi Dài nhỏ được xây dựng lại.

Năm 1966, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam mở rộng ném bom miền Bắc, mức độ chiến tranh ngày càng ác liệt. Địch ở Tịnh Biên liên tục càn quét, đánh phá căn cứ cách mạng. Du kích An Phú tham gia với du kích các xã và địa phương quân huyện đánh tan rã 1 đơn vị biệt kích “Lôi hổ” của địch tại Ô Tà Bang; đánh tiểu đoàn bảo an từ Châu Đốc càn vào Thới Sơn, diệt 7 tên…

Phát huy thắng lợi, sang năm 1967, khí thế đánh địch sôi nổi hơn. Ngày 30-3-1967, 2 đại đội lính chủ lực sư đoàn 9 được 17 xe M113 yểm trợ càn vào căn cứ Ô Tà Bang. Du kích đặt mìn phục kích, bắn cháy 1 xe, 3 xe trúng mìn đứt xích, buộc chúng phải rút lui.

3 ngày sau, chúng tăng viện lên 1 tiểu đoàn có máy bay, xe M113 yểm trợ càn vào như cũ. Lực lượng ta đánh trả, diệt thêm 26 tên. Đầu tháng 5-1967, du kích An Phú và Xuân Tô tham gia cùng địa phương quân huyện do đồng chí Chín Minh chỉ huy, tập kích địch đóng chốt ở Điện Bướm, Đồi 84 núi Dài nhỏ. Kết quả, ta diệt 1 tiểu đội, trong đó 3 tên chết, 4 tên bị thương, thu được 2 khẩu carbin, 1 garant.

Trước những đòn quân sự của cách mạng, địch rất cay cú. Chúng tập trung quân càn quét dài ngày vào các khu căn cứ núi Dài nhỏ và căn cứ Mai Trung.

Suốt những năm chiến tranh, núi Dài nhỏ chưa bao giờ bình yên. Địch tập trung đánh phá, san bằng địa hình các lõm du kích, tiếp tục gom dân và chiếm đóng, xây dựng đồn trên các cao điểm ở núi Kéc, núi Dài nhỏ, Phú Cường.

Chúng lấy hỏa lực bom, pháo dọn đường bộ binh, xe tăng mở mũi đột phá càn quét, cắm chốt, xe ủi đi san lấp địa hình kết hợp huy động dân và lực lượng địa phương quân, phòng vệ đi phá rừng, chặt cây, biến các núi thành đồi trọc, vườn không. Chúng phá từng vùng, lấn từng bước. Chỗ nào chưa chiếm được thì đánh phá bằng bom, pháo, biệt kích, gây thương vong cho cách mạng.

Ngọn núi mang trong mình nhiều vết thương cũ lẫn mới, chồng chất đau thương. Thế nhưng, địch phá thì ta lại củng cố, bám trụ trên núi, phát động phong trào quần chúng đấu tranh. Đúng sáng 1-5-1975, toàn xã An Phú và huyện Tịnh Biên được giải phóng. Sạch bóng quân thù, ngọn núi trở nên xanh tươi, bừng sức sống.

Bà Lê Thị Kiến đã bước sang tuổi 69. Những tháng ngày tham gia quân y, đi khắp ngọn núi để chữa thương đã lùi vào dĩ vãng. Giờ bà chỉ làm một phụ nữ nông thôn bình dị. Nhưng ký ức chiến tranh thì vẫn hằn sâu trong tim, trong lòng bà.

“Địa hình ngọn núi hiểm trở nên việc vận chuyển thương binh rất khó khăn. Nước uống không có nên phải tự chuẩn bị. Bộ đội đi đến đâu, quân y theo đến đó. Gạo để dành nấu cháo, nhường bệnh nhân ăn. Chúng tôi ăn độn khoai mì, khoai môn, chuối, lấy mít non nấu canh. Thiếu muối, mọi người lấy cây rau dền gai nấu đỡ, nhờ vị mẳn mẳn của nó ăn qua bữa. Có chuyến vận chuyển thương binh, trong bụng chẳng có hột cơm, chúng tôi mệt lả đến mức khiêng thương binh đi lạc. Ngủ đêm thức dậy, biết mình còn sống là mừng. Chiến tranh, đâu lường sống chết lúc nào” - bà Kiến nhớ lại.

Sau khói lửa, núi Dài nhỏ đã dần thay đổi, xanh mướt mắt bởi những khoảnh vườn cây ăn trái, rẫy của người dân. Sạt lở, đất bồi, cải tạo đất trồng vườn… khiến nhiều hài cốt liệt sĩ chìm sâu vào lòng đất. Họ ngủ yên, canh giữ đất rừng quê hương, mang linh khí của một thời bom đạn.

“Tụi con bây giờ sung sướng lắm rồi. Nếu có khó khăn, cũng không là gì so với trước đây, nên phải ráng vượt qua. Ráng tiếp bước cha ông ngày trước, lo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”- bà Kiến đưa mắt về phía ngọn núi, nhắn nhủ chúng tôi khi cuộc trò chuyện kết thúc.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH