Nước mắt trong phiên xử “tập đoàn” ma túy lớn nhất Việt Nam

14/05/2019 - 19:55

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đề nghị 6 án tử hình, 3 án chung thân, 1 án 20 năm tù cho các bị cáo đang bị xét xử trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án ma túy, bắt đầu từ ngày 7-5. Các bị cáo bị truy tố về các tội danh: “Sản xuất trái phép chất ma túy”, “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Riêng kẻ cầm đầu Văn Kính Dương còn bị truy tố thêm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,“Trốn khỏi nơi giam giữ”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, tại tòa và cả trên dư luận, người ta lại chú ý  nhiều hơn đến bị cáo Vũ Hoàng Anh Ngọc, tức Ngọc Miu, người tình của Dương.

Mối tình “hot girl” và ông trùm

Gương mặt khả ái, ngoại hình cân đối, năm học lớp 11, Ngọc Miu đã đoạt giải nhất cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” do một trường THPT có tiếng ở quận 3 tổ chức. Ngọc nổi lên với cái tên Ngọc Miu hay Miu Miu, là hot girl trong giới tuổi teen ở TP Hồ Chí Minh.

Ngọc (sinh năm 1994, quê gốc Hải Phòng) theo gia đình vào Nam sinh sống, gia đình khá giả. Vào TP Hồ Chí Minh, gia đình có nhà mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ham chơi, vừa mới lớn, Ngọc đã dính vào cuộc hôn nhân tuổi teen và có một đứa con, chẳng bao lâu thì tan vỡ.

Bị cáo Văn Kính Dương bước vào phiên tòa.

Có chút danh tiếng, Ngọc vẫn được nhiều đại gia theo đuổi nhưng đều đến rất nhanh và ra đi cũng chóng vánh. Ngọc muốn thành ca sĩ nhưng cha mẹ cô không muốn con gái chạy theo sự ồn ào, thị phi của giới showbiz. Đang lúc chán nản, Ngọc gặp Văn Kính Dương, lóa mắt bởi siêu xe McLaren trị giá hơn triệu USD, những chiếc nhẫn hột xoàn trên tay, cùng phong cách đại gia của tay chơi trẻ tuổi.

Biết Ngọc muốn trở thành diễn viên, người mẫu, Dương lập tức vung tiền sắm cho “hot girl” những món đồ hàng hiệu và thường xuyên đưa cô đi “sự kiện”, nhất là những chương trình biểu diễn thời trang. Dương còn tậu cho cô một căn chung cư cao cấp ở tòa nhà Parkson Hùng Vương, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh. “Mừng nhà mới”, tặng kèm một chiếc Audi đắt tiền.

Đến khi phát hiện ra Dương không phải là doanh nhân, đại gia gì cả mà là trùm ma túy, có chân rết ở khắp các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh và lan ra đến tận các tỉnh, thành phía Bắc, Ngọc vẫn chấp nhận rồi trượt dài, trở thành người tình và trợ thủ của tay trùm ma túy, sinh cho Dương một bé trai. Nhưng năm thì mười họa Dương mới về với vợ con, còn thì đi đâu biền biệt. Trước tòa, Ngọc khai hoàn toàn không biết, không được Dương tiết lộ đi đâu, làm gì.

Vũ Hoàng Anh Ngọc.

Không còn hình ảnh của một “hot girl” bốc lửa, những hình ảnh sang chảnh, đi xe xịn, đến nhà hàng tụ điểm ăn chơi nổi tiếng, không còn hình ảnh mua sắm đồ hiệu, cười thả ga trong những bức hình “tự sướng”, hay không có đôi mắt đượm buồn trong những MV ca nhạc mà nhiều người biết đến, Ngọc Miu giờ chỉ được biết đến là một bà mẹ hai con, người tình, bị cáo đồng phạm với Văn Kính Dương.

Những giọt nước mắt trong phiên tòa

Buổi đầu có mặt tại tòa, Ngọc dáo dác tìm người thân, tìm con. Có lúc cô bật khóc gọi: “Con ơi, con đâu rồi!”. Với Dương, Ngọc không phải là người phụ nữ duy nhất. Trước Ngọc, Dương đã có vợ tên H. (thời điểm Dương bị bắt, họ sống ly thân). Đối tượng này còn sống như vợ chồng với Nguyễn Thị Phúc. Dương từng nhiều lần vào tù ra tội.

Năm 2010, khi đang thi hành bản án thứ 6 về các tội “Cướp giật tài sản”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tại một trại giam ở Thanh Hóa, Dương cùng một số phạm nhân khác bỏ trốn. Đang bị truy nã, Dương đã cùng Nguyễn Thị Phúc bắt đầu con đường mua bán hàng trắng. Một lần đang giao nhận hàng tại khách sạn ở Hà Nội, Phúc và đồng phạm bị bắt, phải lĩänh án chung thân vào năm 2014.

Trong khi người tình bị bắt, điều tra, Dương sử dụng giấy chứng minh nhân dân của một người khác (Trần Ngọc Hiếu), sửa chữa rồi dán ảnh mình vào đem đến ngân hàng mở tài khoản. Anh ta nhờ người đóng giả Phúc đến ngân hàng làm thủ tục giao dịch chuyển 380 triệu đồng từ tài khoản của người tình vào tài khoản của mình, sau đó biệt tích. Dương thay đổi lý lịch, vào Nam, thuê căn hộ trong khu dân cư biệt lập tại 111 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1 (nơi tập trung nhiều viên chức ngoại giao các nước) làm cơ sở sản xuất, mua bán ma túy.

Trong vụ án được đưa ra xét xử từ ngày 7-5, ngoài Ngọc, còn có 3 bị cáo nữ khác là Lê Hương Giang, Nguyễn Thu Huyền và Phạm Thị Thu Huyền. Cả ba khi trả lời trước tòa đều khẳng định, với Dương, chỉ là “anh em ngoài xã hội” nhưng nhiều người vẫn cho rằng cả ba nữ bị cáo này đều có quan hệ trên mức bình thường với Dương. Dương giao cả xe Mercedes cho Lê Hương Giang sử dụng. Dương ra Hà Nội, Giang là người đón đưa... Phải nói, Dương “sát” gái nhưng phụ nữ dính tới anh ta đều không có kết quả tốt.

Suốt những năm tuổi trẻ, Dương chỉ “bận” ở tù. Từ năm 1998 đến 2010, Dương có tới 6 lần vào ra trại cải tạo. Từ 2010 cho tới khi bị bắt, tháng 4-2017, dù đang bị truy nã về tội trốn khỏi trại giam nhưng Dương vẫn “coi trời bằng vung”, phạm tội vụ sau nặng hơn vụ trước. Lần này Dương bị đề nghị án tử hình. Hồ sơ vụ án kết luận, Dương đã sản xuất và mua bán 120kg loại bột và thuốc lắc thành phẩm; 85,11kg bột màu vàng tinh chất loại MDMA...

Hệ thống máy móc, dụng cụ sản xuất ma túy của Văn Kính Dương.

Dương đã tạo “dây chuyền” sản xuất, lên kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ, phân công công việc cho đàn em cụ thể. Nguyễn Bá Thành lên vùng biên giới các tỉnh phía Bắc đặt mua các loại hóa chất trôi nổi rồi vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ và đường sắt. Nguyễn Đức Kỳ Nam (kỹ sư cơ khí, rất am hiểu về hóa chất) chịu trách nhiệm điều chế ra ma túy bán thành phẩm dạng sệt và cùng với Dương quản lý chặt chẽ các địa điểm sản xuất tránh bị lộ. Sau đó Nam giao cho Lê Văn Mang vận chuyển về khu biệt thự 122 Trung Sơn và 125 khu Mỹ Kim để tẩy sạch, sấy khô.

Khi ma túy đã chuyển sang dạng bột, Mang chuyển đến số 328 Võ Văn Kiệt giao cho Phạm Bảo Quân để đối tượng này dập thành viên, đóng gói vào vỏ bao cà phê, mỗi bao nặng 1kg nhằm ngụy trang. Hoàn tất công đoạn dập viên, đóng gói, Quân mang giao cho Dương cất giấu tại căn hộ 111 Nguyễn Du, quận 1 và tại phòng 1B, tòa nhà Parkson Hùng Vương, phường 12, quận 5 (nhà của Ngọc).

Nguyễn Bá Thành khai hóa chất là do Dương đặt hàng, Thành chỉ trả tiền rồi chở về Nha Trang để sản xuất. Thành còn khai có giúp Dương giao “gói cà phê” từ phòng này sang phòng khác nhưng không biết là ma túy. Đại diện viện kiểm sát hỏi, cà phê sao lại kêu bị cáo bỏ vào két sắt, Thành trả lời: “Dương nhờ lần đầu tiên nên tôi không quan tâm”.

Giống như Thành, trước tòa một số bị cáo tỏ ra “ngây ngô”, cho rằng không biết Dương sản xuất, mua bán, tàng trữ ma túy... Lê Văn Mang tham gia vào tất cả các công đoạn từ đầu cho đến khi ra thành phẩm: nhận tinh dầu, hóa chất, dập khuôn, đóng gói, giao hàng... Nguyễn Đức Kỳ Nam là mắt xích quan trọng trong việc thử nghiệm, điều chế ma túy cho Dương từ đầu cho đến khi bị bắt, được Dương trả tổng cộng 240 triệu đồng tiền công.

Mang và Nam phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất trái phép ma túy” với tổng khối lượng 120 kg tinh chất ma túy và thuốc lắc thành phẩm. Phạm Bảo Quân là người trực tiếp sản xuất ma túy ở giai đoạn 2 và đi giao ma túy cho các bị cáo khác đem bán, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy”.

Trong số các bị cáo nữ, Lê Hương Giang có vai trò tích cực nhất trong đường dây. Từ tháng 6 đến tháng 9-2016, Giang  trực tiếp đi giao và nhận tiền bán thuốc lắc cho Dương, tổng cộng đã giao hơn 17.500 viên thuốc lắc cho Nguyễn Thị Thái Hằng (bà U) ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Một số bị cáo tại tòa ngày 7-5.

Nguyễn Thu Huyền thay Giang nhận tiền từ đối tượng mua ma túy khi Giang bị tình nghi, phải chuyển ra Hà Nội. Huyền  đã  giao 1.000 viên thuốc lắc cho Huy và 500 viên cho bà U. Ngoài ra, Huyền mang 7 gói cà phê ma túy (3.500 viên) qua nhà Ngọc cất giữ rồi đem đến khách sạn giấu, phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Đại diện viện kiểm sát cho rằng, đây là vụ án sản xuất và mua bán ma túy lớn nhất tính đến thời điểm 2017. Các bị cáo đã sản xuất gần 200kg ma túy thành phẩm, bán ra thị trường 18 kg ma túy thu lợi bất chính 200 tỉ đồng.

Văn Kính Dương bị đề nghị từ 1 đến 2 năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”; 8 đến 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tử hình cho hai tội “Sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy”. Tổng hợp hình phạt Dương phải chịu án tử hình. 5 đồng phạm đắc lực cho Dương là Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Nguyễn Đức Kỳ Nam, Lê Hương Giang, Nguyễn Đắc Huy đều bị đề nghị án tử hình. Đại diện công tố cũng đề nghị 3 án tù chung thân cho Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Thu Huyền và Phạm Thị Thu Huyền. Ngọc Miu bị đề nghị mức án 20 năm tù.

Biết rằng mỗi đồng phạm là một mắt xích quan trọng trong đường dây của mình nhưng khi tòa hỏi, Dương đều nhận hết tội về mình. Dương cho rằng các đồng phạm “gần như không biết gì về buôn bán, sản xuất ma túy”. Người chỉ đạo toàn bộ hoạt động sản xuất và mua bán ma túy là Dương. Mối quan hệ giữa Dương và Nam là chủ và người làm công.

Biết mình khó thoát mức án cao nhất, Dương khai báo có lợi cho đàn em và đặc biệt là cho người tình Ngọc Miu. Dương cho rằng mình không bao giờ nói việc mua bán ma túy và sản xuất gì cho Ngọc. Ngọc thì tỏ ra “ngu ngơ”,  cái gì cũng không biết vì “Bị cáo và anh Dương không có chung quan điểm. Anh Dương không bao giờ cho bị cáo biết làm công việc gì. Bị cáo cũng không quan tâm tới việc làm ăn của Dương. Khi được Dương nhắn đi mang túi đồ qua khách sạn để cất giấu, bị cáo không biết trong đó là ma túy, bị bắt thì mới biết là ma túy”.

Kết luận điều tra chỉ ghi Dương có 4 con nhưng tại tòa Dương khai có 5 con. Luật sư của bị cáo này đề nghị hội đồng xét xử áp dụng mức án chung thân đối với Dương, cho rằng: “Chết thì dễ cho Dương quá, để Dương sống, để phải thấy được nỗi đau “sống không bằng chết”(?!)”. Luật sư của Ngọc Miu đề nghị thay đổi tội danh cho cô từ “Tàng trữ trái phép chất ma túy” sang tội danh “không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu.

Suốt những ngày diễn ra phiên tòa, có một người đàn ông một mắt bị hư, mắt còn lại không còn nước mắt khóc vì con. Ông là cha của Lê Văn Mang. Hai vợ chồng ông từ huyện Đầm Dơi, Cà Mau lên tham dự phiên tòa. Vợ chồng ông là nông dân. Đứa con bị đề nghị mứa án cao nhất - tử hình và phải đóng “tiền gì đó” 50 triệu đồng. Ông bảo: “Nó bảo đi làm nhưng đã bao giờ thấy có đồng tiền nào đâu.  Bán cả nhà tôi dưới quê chưa chắc được 50 triệu!”.

Ngày 14-5, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án. Nếu tòa phán quyết theo đúng đề nghị của viện kiểm sát thì có 9 đứa trẻ sẽ trở thành mồ côi. Lê Hương Giang có chồng mất sớm, nếu cô phải chịu mức án cao nhất con cô mồ côi cả cha lẫn mẹ. Giá mà cô cùng các bị cáo khác có thể nghĩ đến điều đó trước khi sa chân vào tội lỗi...

Theo ĐỨC HÀ (Công An Nhân Dân)