Nước và sự sống

22/03/2018 - 07:19

 - Năm 2018, ngày Nước Thế giới (22-3) có chủ đề “Nước và thiên nhiên” nhằm kêu gọi ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước (TNN), khuyến khích cộng đồng hiểu đúng mối quan hệ giữa nguồn nước và thiên nhiên. Từ đó, thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp dựa vào tự nhiên để bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước ngọt.

Nước càng khan hiếm

Nước được xem là nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất, là cội nguồn của sự sống. Mọi sinh vật sống đều cần đến nước. Từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến thủy điện… đều rất cần đến nước.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá ấy đang đứng trước rất nhiều áp lực, dẫn đến suy thoái, ô nhiễm, tranh chấp… 60 năm trước, dân số thế giới chỉ khoảng 2,5 tỷ người, các hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển chưa “nóng”… nên vấn đề “an ninh nguồn nước” chưa được đề cập nhiều.

Tình trạng gia tăng dân số, phát triển “nóng” về KT-XH kéo theo những tác động do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu làm gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước.

Theo Liên Hiệp Quốc, nếu năm 2010, dân số thế giới khoảng 7 tỷ người thì dự báo năm 2050 sẽ là 9,8 tỷ người và đạt 11,2 tỷ người vào năm 2100. Dân số không ngừng gia tăng đang tạo ra áp lực lên “an ninh nguồn nước”.

Hầu hết bề mặt Trái đất là đại dương bao la nên nước biển mặn chiếm hơn 97% nước trên Trái đất, chỉ 3% còn lại là nước ngọt nhưng gần hơn 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng băng ở 2 cực của địa cầu. 

Phần còn lại (1%) không đóng băng, được tìm thấy chủ yếu ở dạng nước ngầm và chỉ một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và trong không khí…

Như vậy, TNN là hữu hạn, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên Trái đất chứ không nhiều như chúng ta tưởng! Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, trong thế kỷ XX, nhu cầu về nước ngọt tăng gấp 6 lần so thế kỷ XIX.

Trung bình mỗi ngày, 1 người dân ở Bắc Mỹ (Canada, Hoa Kỳ) sử dụng từ 600 - 800 lít nước, còn ở các nước đang phát triển khoảng 60 - 150 lít.

Về cơ cấu, hoạt động nông nghiệp hiện sử dụng khoảng 70% lượng nước toàn cầu, ngành công nghiệp sử dụng 20% lượng nước. 10% còn lại sử dụng cho sinh hoạt, trong đó tỷ lệ sử dụng nước uống chỉ nhỏ hơn 1%...

Chính vì sử dụng nước một cách bất hợp lý, lạm dụng quá mức khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

Chung tay hành động

Việc sử dụng nguồn nước không hợp lý cộng với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đang đặt vấn đề “an ninh nguồn nước” trở nên cấp thiết.

Nhiều quốc gia đang đối mặt thực trạng nước sông, nước ngầm suy giảm, cạn kiệt. Trong khi hiện nay quá trình tan băng ở 2 cực của Trái đất diễn ra nhanh hơn, kéo theo nước biển dâng, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng…

Cũng như một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với thách thức suy giảm và cạn kiệt nguồn nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù nước ta có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng chủ yếu từ nước ngoài chảy vào và tập trung ở một số lưu vực sông lớn (sông Hồng, sông Mekong); lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37%.

Tuy chúng ta thực hiện nhiều giải pháp, nhất là đàm phán xây dựng nhiều cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực về sử dụng bền vững nguồn nước, nhưng việc sử dụng nguồn nước phục vụ lợi ích giữa các bên đang trở thành vấn đề “nóng”.

Trong khi nước ta nằm ở phía hạ nguồn, thì việc đàm phán càng thêm khó khăn... Bằng chứng rõ nhất là việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn (của Trung Quốc, Lào…) đã làm suy giảm lượng nước sông Mekong chảy về Việt Nam.

Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng vào mùa khô năm 2016, khi ĐBSCL bị đợt hạn mặn khủng khiếp nhất lịch sử 100 năm qua, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Để bảo đảm “an ninh nguồn nước”, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật về TNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nước hợp lý.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở phía thượng nguồn để cùng chia sẻ lợi ích TNN trên các dòng sông chung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nghiên cứu đánh giá “an ninh nguồn nước” phục vụ xây dựng quy hoạch TNN và coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Đề xuất các giải pháp đảm bảo “an ninh nguồn nước”, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (như: quản lý tổng hợp TNN, quản lý nước theo lưu vực sông, quản lý theo hệ thống: nước - năng lượng - lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh…), nhất là tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội trong bảo đảm “an ninh nguồn nước”...

Nước và sự sống

Ảnh: THANH HÙNG

Ở An Giang sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang gia tăng. Theo đó, từ ngày 20 đến 31-3 diễn ra các hoạt động: hội thảo khoa học, tọa đàm, triển lãm với chủ đề về TNN; vận động cộng đồng tham gia bảo vệ TNN; phát động phong trào không lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ; không xây dựng nhà trên sông, kênh, rạch, hành lang bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt, phát động phong trào sử dụng nước tiết kiệm, trữ và sử dụng nước mưa hiệu quả, xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép…

 

HỮU HUYNH