Nuôi cá lóc trong bể bạt

01/08/2019 - 07:33

Chỉ cần tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà (khoảng 75m2), người dân đã có thể triển khai mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt. Ngoài yếu tố thuận tiện trong khâu cho ăn, chăm sóc, dễ kiểm soát dịch bệnh, mô hình này còn mang lại năng suất cao hơn 50% so với nuôi cá lóc thông thường.

Nông dân nhiệt tình hưởng ứng

Được sự hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương, vốn đối ứng từ người dân, từ tháng 8-2017 đến tháng 7-2019, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao tại tỉnh An Giang”. Trong đó mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt được chuyển giao công nghệ từ Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ), do PGS.TS Dương Nhựt Long (Trưởng bộ môn) trực tiếp phụ trách.

ThS Tăng Hoàng Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang (Chủ nhiệm dự án), cho biết, sau khi khảo sát địa điểm, đánh giá điều kiện nuôi, đơn vị đã chọn 9 hộ dân ở ấp Phước Mỹ (xã Phước Hưng, An Phú) triển khai mô hình với tổng diện tích 750m2. Trong đó có 6 hộ thả nuôi 75m2/hộ là: Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Thị Cà, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Hữu Phước, Trần Chí Hiếu, Nguyễn Thị Y. Riêng hộ Phạm Thị Kim Xoàn thả nuôi 50m2, Trương Thị Ngọc Tròn nuôi 100m2, còn hộ Lê Văn Lời nuôi 150m2. “Các nông hộ tham gia đều đồng thuận với dự án, thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật” - ông Vinh nhận xét.

Thu hoạch cá lóc nuôi trong bể bạt. Ảnh: Trung tâm Giống thủy sản An Giang

Theo ông Vinh, tất cả 9 điểm nuôi đều có hệ thống cấp và thoát nước riêng nhằm đảm bảo chất lượng nước tốt, hạn chế dịch bệnh. Các hộ tuân thủ mật độ thả nuôi 100 con/m2, nước nuôi cá được thay 2 lần/ngày, dùng thức ăn công nghiệp (28-40% đạm). Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng bình quân của cá đạt khoảng 500gr/con, tỷ lệ sống từ 52-72%, sản lượng 2,5-2,7 tấn/bể (75m2), năng suất từ 33 - 36kg/m2, lợi nhuận từ 15,8-24,3 triệu đồng/75m2. “Việc nuôi cá lóc trong bể bạt có nhiều ưu điểm như: chủ động được nguồn nước cấp và thoát cho hệ thống nuôi, quản lý dịch bệnh dễ dàng, thức ăn thuận tiện. Các hộ nuôi đều có lợi nhuận tương đối khá nên họ rất thích mô hình nuôi này” - ông Vinh đánh giá.

Có thể nhân rộng

ThS Tăng Hoàng Vinh cho biết, trước khi triển khai mô hình nuôi thực tế, Trường Đại học Cần Thơ đã trực tiếp đào tạo cho 20 học viên là cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật viên của Trung tâm Giống thủy sản An Giang thành thạo về kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể bạt đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn thực hành thiết kế xây dựng bể lót bạt, ghi chép nhật ký, chọn giống, vận chuyển và xử lý con giống trước khi thả, cách cho ăn và theo dõi tốc độ tăng trưởng của cá, cách định lượng thức ăn cho phù hợp, sử dụng các bộ test đo yếu tố môi trường và cách xử lý, hướng dẫn xem mẫu cá lóc bệnh và cách xử lý. Những kỹ thuật nuôi này sau đó được Trung tâm Giống thủy sản An Giang tập huấn cho 50 nông dân tại huyện An Phú.

Theo ông Vinh, kết quả thu hoạch ở các điểm nuôi của dự án thể hiện được mức độ thành công rất lớn từ việc ứng dụng quy trình công nghệ nuôi cá lóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm (Trường Đại học Cần Thơ). Năng suất thu hoạch cá cao hơn 50% so với trước đây, góp phần cải thiện thu nhập của người dân nên bà con rất phấn khởi. Mặt khác, nguồn nước thải từ mô hình nuôi được sử dụng để tưới cho lúa và hoa màu, góp phần giảm thiểu chi phí phân bón trong canh tác. Thấy được hiệu quả này, nông dân tỏ ra yên tâm hơn khi ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, tạo được niềm tin cho nông hộ.

ThS Vinh cho rằng, xu hướng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn dần được nhân rộng trong những năm gần đây, đặc biệt tại An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm trên một số đối tượng thủy sản như: lươn đồng, cá lóc, cá thát lát cườm… góp phần nâng cao giá trị thủy sản. Đối với cá lóc, điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước hiện khá thuận lợi, có thể nhân rộng mô hình nuôi trong bể bạt gắn kết với đầu ra là các kênh tiêu thụ cá tươi, sản xuất khô cá lóc. “Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp về phát triển vùng nuôi tập trung, thị trường tiêu thụ, hệ thống sơ chế, bảo quản và chế biến” - ông Vinh đề xuất.

“Mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt theo hướng an toàn thực phẩm giúp người dân tận dụng và khai thác hiệu quả diện tích đất trống xung quanh nhà. Đây là hệ thống nuôi có chi phí đầu tư thấp nhất trong các hệ thống nuôi thủy sản hiện nay tại An Giang, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông hộ” - ThS Tăng Hoàng Vinh đánh giá

 

NGÔ CHUẨN