Ồ ạt nhập khẩu, ôtô có giảm giá?

10/12/2018 - 07:16

 - Việc thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm xuống 0% từ ngày 1-1-2018 đã tạo điều kiện cho ôtô từ Thái Lan, Indonesia tràn vào thị trường nội địa, cạnh tranh với ôtô sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giá ôtô không giảm như kỳ vọng bởi thuế, phí vẫn còn khá cao. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019.

Tăng nhập khẩu ôtô ngoại

Sau thời gian trầm lắng, sụt giảm về số lượng, những tháng cuối năm 2018 ghi nhận thị trường ôtô nhập khẩu tăng mạnh, dự báo cho một cuộc “đổ bộ” của ôtô ngoại vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10-2018, lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.468 chiếc, trị giá hơn 261 triệu USD, cao nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay.

So với tháng 9, lượng ôtô nhập khẩu tháng 10 tăng 8,4% về số lượng và 8% về giá trị. Về xuất xứ, ôtô nhập khẩu từ Thái Lan có số lượng lớn nhất (7.063 chiếc, trị giá hơn 134 triệu USD, chiếm 56,6% về số lượng và 51,3% về trị giá).

Kế đến là Indonesia (4.175 ôtô, cao hơn 36% so với mức 3.056 xe nhập khẩu vào tháng 9). Các quốc gia ngoài khu vực ASEAN, lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam không lớn (Nhật Bản 286 chiếc, Mỹ 278 chiếc, Trung Quốc 216 chiếc, Đức 37 chiếc, Hàn Quốc 30 chiếc).

Sang tháng 11-2018, có 13.778 xe ôtô nhập về Việt Nam, tăng gấp đôi so cùng kỳ 2017. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng xe ôtô nhập khẩu về Việt Nam vượt mức 10.000 xe/tháng. Trong đó, Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 thị trường chính cung cấp ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam, chiếm gần 93% tổng lượng xe nhập khẩu.

Điều này cũng dễ hiểu bởi Thái Lan và Indonesia là những xưởng sản xuất ôtô chính ở khu vực ASEAN, được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% sau khi thỏa mãn các điều kiện của Việt Nam.

Ôtô nhập khẩu từ 2 quốc gia này có mức giá trung bình thấp nhất, phù hợp với túi tiền của giới trung lưu Việt Nam. Cụ thể, ôtô nhập khẩu từ Indonesia có giá bình quân khoảng 15.900 USD/chiếc (tương đương 370 triệu đồng), Thái Lan là 19.080 USD/chiếc (444 triệu đồng).

Những tháng cuối năm 2018, ôtô từ Thái Lan và Indonesia ồ ạt vào Việt Nam cũng là điều dễ hiểu, bởi không ít người Việt có tâm lý dồn tiền sắm xe chơi Tết Nguyên đán. Điều này góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường ôtô cuối năm 2018, đầu năm 2019 khi các đại lý trong nước tăng cường khuyến mãi, hậu mãi để lôi kéo khách hàng.

Thống kê sơ bộ, tuần cuối của tháng 11-2018, có 58,5 triệu USD linh kiện và phụ tùng ôtô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam, tuần trước đó là 66,4 triệu USD. Việc tăng nhập khẩu linh kiện và phụ tùng nhằm tăng sản lượng lắp ráp, sản xuất ôtô trong nước, cạnh tranh với ôtô nhập khẩu.

Khó kỳ vọng giá giảm sâu

Ấp ủ ý định mua chiếc ôtô từ năm 2017 nhưng anh Nguyễn Phương Nam (khóm Bình Khánh 7, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) lần lựa mãi, với hy vọng ôtô sẽ giảm giá thêm khi ôtô từ khu vực ASEAN nhập khẩu về Việt Nam được hưởng thuế suất 0%.

“Ngoài yếu tố có thêm nhiều dòng xe ngoại để lựa chọn, các sản phẩm ôtô đa dạng hơn thì giá không giảm là bao. Gia đình tôi đang cân nhắc mua chiếc ôtô cỡ nhỏ với giá khoảng 400 triệu đồng để có xe chơi Tết, chở tụi nhỏ về quê thăm ông bà, dòng họ. Thấy tình hình này, có chờ sang năm 2019, thậm chí 2020 giá xe chưa chắc giảm nhiều” - anh Nam nhận định.

Chủ một đại lý kinh doanh ôtô ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) cho rằng, sở dĩ ôtô khó giảm giá bởi hiện tại, ôtô cá nhân bán trên thị trường trong nước phải chịu 3 loại thuế bắt buộc, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

“Thuế, phí hiện hành chiếm từ 40-60% trong giá bán một chiếc xe con dung tích xi lanh dưới 3.0L, chiếm từ 60% đến hơn 100% giá bán xe có dung tích từ 3.0L trở lên. Xe từ Thái Lan và Indonesia hưởng lợi nhiều hơn xe nhập khẩu từ các quốc gia khác khi thuế suất về 0% nhưng vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng ở mức cao. Do vậy, trong cùng phân khúc, so về giá bán, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia nhỉnh hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước do phải tốn chi phí vận chuyển và một số loại phí khác” - chủ đại lý này chia sẻ.

Trong bối cảnh khó giảm giá xe thêm, các đại lý tập trung lôi kéo khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, hậu mãi, tặng gói bảo dưỡng, hỗ trợ thủ tục vay ngân hàng. Có những dòng xe, chỉ cần khách hàng trả đủ chi phí ra biển số (gồm: lệ phí trước bạ, bảo hiểm, đăng kiểm, dịch vụ đăng ký xe), đối ứng từ 10-20% giá trị xe, thậm chí không cần đối ứng, 100% giá xe công bố vẫn được ngân hàng cho vay.

Ví dụ 1 chiếc Kia Morning có giá 350 triệu đồng, người mua đóng lệ phí trước bạ 10% (35 triệu đồng) cùng các chi phí khác để ra biển số (tổng cộng khoảng 50 triệu đồng), ngân hàng hỗ trợ cho vay từ 280 triệu đồng đến toàn bộ giá trị xe (350 triệu đồng). Đây là một trong những giải pháp kích cầu mua ôtô của người dân, nhất là những người có nguồn thu nhập cố định khá nhưng không đủ tiền mặt mua xe.

Trong tháng 12-2018, có thêm nhiều dòng xe với giá “vừa phải” tiếp tục được ra mắt, điển hình như Suzuki Swift, sản phẩm gắn với giải bóng đá AFF Suzuki Cup đang rất thu hút. Với giá bán từ 499 - 549 triệu đồng, đây được xem là đối thủ cạnh tranh với Toyota Yaris, Honda Jazz, Mazda 2… Đồng thời, tăng thêm lựa chọn so với những sản phẩm giá “mềm” hơn như: Kia Morning, Chevrolet Spark, Toyota Wigon, Suzuki Celerio, Hyundai grand i10, Mitsubishi Mirage

 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích