Ong có thể làm toán

08/02/2019 - 09:45

Dù có kích thước vô cùng nhỏ bé, thế nhưng loài ong lại sở hữu một trí thông minh đáng kinh ngạc khi có thể... làm toán.

Loài ong có thể làm toán - Ảnh: Guardian

Bất chấp việc có một bộ não rất nhỏ, loài ong có thể làm phép cộng và phép trừ, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy sự thông minh đáng ngạc nhiên của loài côn trùng này.

Trước đây, các nghiên cứu cho thấy loài ong có thể hiểu khái niệm về số 0, và có thể so sánh chính xác nhóm vật thể nào nhỏ hơn trong hai nhóm vật thể khác nhau.

Tuy nhiên, hiện tại các nhà khoa học đã chứng minh rằng loài côn trùng này thậm chí có thể thực hiện phép cộng và phép trừ một cách chính xác.

"Bộ não của chúng có thể quản lý một quy tắc dài hạn và áp dụng điều đó vào một vấn đề toán học để đưa ra một câu trả lời chính xác", tiến sĩ Adrian Dyer, đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học RMIT ở Úc cho biết. "Đó là một kiểu xử lý số khác với các phán đoán số lượng tự phát", ông Dyer cho biết thêm.

Theo những nghiên cứu gần đây, rõ ràng con người không phải là loài vật duy nhất có khả năng làm toán. Ông Dyer cho biết các nhà khoa học có bằng chứng là các loài linh trưởng, vẹt và thậm chí là một số loài nhện cũng có khả năng này.

Với nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã có thêm bằng chứng để chứng minh rằng không cần có ngôn ngữ thì vẫn có thể làm toán.

Dù vậy, có nhiều nhà khoa học nghi ngờ kết quả này, như Paul Graham, giáo sư thần kinh học tại Đại học Sussex cho rằng không rõ là các con ong có khái niệm về toán hay thậm chí là con số hay không.

"Trong thực tế, bạn không thể biết những con vật đã làm gì bởi vì bạn không thể điều tra cách mà chúng đang làm điều đó", ông Graham nhận định.

Hình ảnh mô tả thí ghiệm của ông Dyer - Ảnh: Guardian

Trong thí nghiệm của ông Dyer được đăng trên tạp chí khoa học Science Advances, các con ong được thả vào một mê cung và nhìn thấy một ô vuông có những chấm màu. Nếu chấm màu là xanh thì đó là phép cộng một, chấm màu là vàng thì đó là phép trừ một. Sau đó những con ong sẽ tiếp tục bay vào mê cung và chọn lối ra. Sẽ có hai lối ra cho mỗi thí nghiệm với ô vuông và số chấm màu tương ứng với kết quả của phép toán. Nếu chọn đúng kết quả các con ong sẽ được thưởng một phần nước đường ở cuối mê cung và nếu chọn sai thì chúng sẽ chịu phạt vì dung dịch cuối mê cung là ký ninh vốn gây khó chịu cho loài ong.

14 con ong được chọn tham gia thí nghiệm, mỗi con được tập 100 lần với số lượng chấm màu ban đầu tối đa là 5. Sau đó mỗi con ong được thực hiện 10 bài kiểm tra ngẫu nhiên và kết quả là chúng làm đúng bài tập từ 64 đến 72% tùy thuộc vào con ong cũng như mức độ khó của bài toán.

"Không phải mọi con ong đều có thể làm điều này (một cách tự nhiên), nhưng chúng ta có thể dạy chúng làm điều đó", ông Dyer nói.

Theo Một Thế Giới