Ông giáo đam mê với nghiệp trồng hoa

17/05/2018 - 09:39

Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng hoa, trải qua không ít thăng trầm, ở tuổi ngoài 60, ông giáo Tiếp vẫn miệt mài với các dự án của mình. Với ông, trồng hoa không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là niềm đam mê...

A A

Ông Tiếp tỉ mỉ chăm sóc từng chậu pepino

Duyên nghiệp trồng hoa

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở TP.Sa Đéc, ông Trần Văn Tiếp ở xã Tân Quy Đông cũng từng có thời gian sống ở TP.Hồ Chí Minh rồi theo gia đình về quê cưới vợ. Nghề trồng hoa đến với ông như một cơ duyên và cũng là cái nghiệp. Ông Tiếp kể, chính phong cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp làng quê, những hình ảnh đầu tiên in dấu trong tâm hồn đã đưa đẩy thầy giáo trẻ đến với nghề trồng hoa. Chọn cho mình ngã rẽ mới, trở thành người nông dân trồng hoa cũng là một bước ngoặt đối với ông giáo trẻ.

Ông Tiếp nhớ lại, khoảng năm 1977, ông trồng 300 cây hạnh, 100 cây hồng, cùng hàng xóm thuê ghe đi hết 5 ngày lên bến Bạch Đằng TP.Hồ Chí Minh bán ở chợ hoa Nguyễn Huệ. Những năm đầu, ghe hoa ông giáo cũng kiếm được đồng lời. Được vài năm thì chợ hoa Nguyễn Huệ dừng hoạt động. Hoa không bán được, cùng lúc đó các loại hoa mới ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á xuất hiện càng nhiều khiến thị trường hoa truyền thống thêm ế ẩm. Nghĩ phải làm cách nào để cải thiện kinh tế gia đình và giúp cho làng hoa phát triển, ông giáo Tiếp quyết định đi tìm các giống hoa mới để trước tiên là phục vụ nhu cầu sản xuất cho gia đình sau đó góp một phần công sức phục vụ làng hoa.

Những năm đầu không có kinh phí đi nhiều nơi, ông chủ yếu sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm và tìm nguồn hoa mới. Giống hoa đầu tiên ông đem về là cát tường, loại hoa có mùi thơm, màu sắc đẹp... Tuy nhiên, do loài hoa này được trồng ở vùng ôn đới nên khi mang về vùng nhiệt đới rất khó trồng và khả năng sống thấp. Thời điểm đó có người nói ông làm chuyện gàn dở, không thể nào thành công. Vậy mà bằng kinh nghiệm của bản thân, cộng với kỹ thuật học được từ nhiều nơi, ông Tiếp thuần dưỡng thành công loại hoa cát tường và nhân rộng cho bà con nông dân làng hoa cùng trồng. Những năm đó, loài hoa này cũng đem lại thu nhập đáng kể cho người trồng hoa Sa Đéc.

Thăng trầm với nghề

Từ thành công của giống hoa cát tường đã thôi thúc ông Tiếp tìm thêm những giống hoa mới lạ khác. Đáng kể như, hoa hồng dây, thạch thảo, ổi tím... do ông khởi xướng trồng đầu tiên, rồi lần lượt được trồng nhiều hơn ở Sa Đéc và những vùng lân cận. Vốn là người yêu cái đẹp và mới lạ, ông Tiếp lại tiếp tục tìm hướng đi cho hoa, ông nghĩ phải làm cách nào để vừa phát triển làng hoa vừa tạo ra giá trị mới cho hoa và các loại nông sản khác. Từ suy nghĩ này, thông qua bạn bè, sách báo và người con trai học chuyên ngành nông nghiệp, ông Tiếp đã liên hệ với Trường Đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh để giúp ông nghiên cứu chiếc máy chiết xuất tinh dầu từ nông sản.

Lúc đầu, ông thuê đất xây nhà máy ở Vũng Tàu và Quảng Bình sản xuất tinh dầu tràm và tinh dầu trầm hương theo nguyên liệu của từng vùng, tuy nhiên do khác nhau về đặc điểm vùng miền nên 2 dự án này không thành công. Thất bại nặng nề, ai cũng nghĩ từ đây ông sẽ bỏ công việc liên quan đến hoa, ấy vậy mà ông lại tìm đường đi mới. Nhận thấy thị trường Hà Nội có nhiều tiềm năng về cung ứng hoa, ông thuê mặt bằng ở Gia Lâm và chở hoa Sa Đéc ra bán. Nhưng thật không may, hướng đầu tư này không thuận lợi, ông phải bán đất nhà trả nợ.

Liên tiếp gặp trắc trở trên con đường sự nghiệp, nhưng vẫn không làm ông nản chí từ bỏ tình yêu với hoa. Ông vẫn gầy dựng lại sự nghiệp, miệt mài với “cái nghiệp” trồng và tìm hoa mới. Ông Tiếp bảo: “Làm nghề nào cũng vậy, nhất là nghề yêu cái đẹp này thì phải càng gắn bó nhiều hơn, nó như cái nghiệp vận vào người, không làm sẽ thấy nhung nhớ kỳ lạ. Mỗi năm đến tháng 7, tháng 8 khi xung quanh bà con tất bật chuẩn bị trồng hoa là lòng mình lại nôn nao chờ ngày trồng hoa Tết, trong đầu cứ ráo riết suy nghĩ phải tìm thêm giống hoa mới...”.

“Đất “người tình” thêm nữa một bài ca”

40 năm thăng trầm với nghề tìm - đưa giống hoa mới, ông Tiếp đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho hàng trăm nông dân làng hoa nhờ tiếp nhận, trồng các giống hoa mới của ông. Hiện nay, với trên 60 ngàn cây giống sản xuất mỗi năm, ông Tiếp không chỉ cung cấp cho Trạm Khuyến nông TP.Sa Đéc mà còn cung ứng cho nông dân trồng hoa trong và ngoài tỉnh. Mùa Tết năm 2018, ông lại thử sức với dưa pepino (dưa hấu tí hon), một loại trái cây có mùi thơm nhẹ dễ chịu, có thể ăn và chưng làm cây cảnh trong nhà. Tết năm 2018, ông bán được 2.000 chậu pepino và dự định tiếp tục mở rộng diện tích loại cây này.

Ông Tiếp chia sẻ, hiện ông đang đưa vào hoạt động dự án chiết xuất tinh dầu từ hoa cúc với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất tinh dầu, nâng cao giá trị hoa Sa Đéc. Hy vọng dự án thành công sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho làng hoa Sa Đéc. Ông Bùi Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP.Sa Đéc cho hay, nông nghiệp đang ngày càng có sự thay đổi mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều này đòi hỏi không chỉ trong ngành nông nghiệp mà con người cần phải đổi mới, tìm tòi, sáng tạo để thích nghi với sự thay đổi của thời đại. Việc ông Tiếp hay những cá nhân khác của làng hoa dám mạnh dạn đổi mới từ trong cách nghĩ, cách làm đã khẳng định được vị trí người nông dân trong thời đại mới sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển nông nghiệp địa phương, mang lại giá trị cho xã hội.

Một lần ghé thăm “ngôi nhà màu tím” của ông giáo Tiếp, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng ông 2 câu thơ: “Người của hoa của đam mê khát vọng/Đất “người tình” thêm nữa một bài ca”. Ông Tiếp xúc động tâm sự, lời động viên của Bí thư là động lực để ông tiếp bước với con đường yêu hoa, tìm hương sắc mới cho đời. Với ông, không có gì quý giá hơn là tấm lòng, tâm huyết của mình được trân trọng đúng nghĩa... Hội quán “Tôi yêu màu tím” do ông Tiếp làm chủ nhiệm hiện cũng là nơi nuôi dưỡng tâm huyết, tình yêu với nghề trồng hoa của nhiều người trong nghề. Bởi theo tâm sự của ông, mặc dù niềm đam mê với nghề của ông vẫn sống mãi nhưng cần một thế hệ nữa tiếp bước cho làng hoa truyền thống...

Trong ánh nắng chiều, ông Tiếp vừa chăm sóc chậu pepino, tỉ mỉ đưa lên kệ từng chậu hoa nhỏ xinh. Hướng mắt về mảnh đất của gia đình, ông Tiếp lại trao đổi với chúng tôi về những dự án mà ông hằng ấp ủ, ánh mắt người đàn ông ngoài 60 tuổi này vẫn cháy lên tình yêu mãnh liệt dành cho hoa kiểng trên quê hương Sa Đéc.

Theo THẢO VY (Báo Đồng Tháp)