Ông Phan Văn Khải luôn lắng nghe, sâu sát với doanh nghiệp, doanh nhân

19/03/2018 - 20:12

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh thời là người sâu sát trong công việc, gần gũi và luôn lắng nghe, nhất là với giới doanh nhân và chuyên gia kinh tế.

Thời ông làm Chủ tịch UBND TPHCM, ông đã có những quyết định mạnh dạn “cởi trói” cho doanh nghiệp phát triển. Đến khi làm Thủ tướng, ông đã thúc đẩy sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 được nhiều doanh nghiệp xem là cuộc “cách mạng” để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã huy động tốt nguồn lực của giới trí thức để đổi mới, đặt nền móng cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nhắc tới nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Lê Quang Nhường, nguyên Tổng Giám giám Công ty Cổ phần kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) nhớ đến giai đoạn khó khăn nhất của công ty. Thời đó, nếu không có ông Sáu Khải (cách gọi thân mật của người dân TP.HCM đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) quyết đoán, tháo gỡ những khó khăn thì doanh nghiệp vẫn ì ạch và khó mà có một thương hiệu Vissan lớn mạnh như hôm nay.

Những năm 1984-1985, nhiều máy móc của Vissan không hoạt động và công ty nợ hơn 3,2 tỷ đồng. Hoạt động của đơn vị chỉ gói gọn trong việc phân phối chứ không kinh doanh, không cạnh tranh được với tư thương, không điều tiết được thị trường. Hàng tháng, Vissan chỉ làm nhiệm vụ phân phối cho mỗi cán bộ nhân viên nhà nước 1 kg thịt heo... 

Trước khó khăn này, ông Sáu Khải lúc đó là Chủ tịch UBND TPHCM đã cho Vissan cơ chế 2 giá: một phần định mức Vissan mua theo giá quy định, phần còn lại mua theo giá thị trường. 

Nhờ vậy nguồn cung tăng gấp đôi, gấp ba trước đó. Sau khi phân phối theo tiêu chuẩn, Vissan được bán ra thị trường thu lợi nhuận nên thu nhập của cán bộ, nhân viên cao gấp 2-3 lần trước đó. Ông Sáu Khải cũng cho phép tháo bỏ những quy định bất hợp lý về chi phí quản lý nhà nước để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ sự sâu sát, quyết đoán của ông Sáu Khải đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tạo sức bật cho Vissan và nhiều doanh nghiệp của thành phố sau này. Để thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người luôn gần gũi, sâu sát với doanh nghiệp. 

"Ông Sáu Khải hiểu sâu Vissan bởi vì ông thường đi xuống thăm Vissan, hiểu cái khó của Vissan, từ đó mà tháo gỡ. Ông Sáu rất giản dị, chân tình với anh em chớ không quan cách gì hết"- Ông Lê Quang Nhường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) nói.

Thời gian làm lãnh đạo thành phố, ông Sáu Khải vẫn luôn gần gũi với người dân, doanh nghiệp, sâu sát thực tế và lắng nghe tiếng nói của họ. Thấu hiểu thực tiễn đó, nên khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông đã thúc đẩy việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, tạo tiền đề cho các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập cùng thế giới. Đó cũng là nền tảng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Nhớ lại những lần được tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Huỳnh Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM luôn khâm phục tinh thần quyết đoán, quyết liệt mà chân tình của nguyên Thủ tướng.

"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông là người mở đường, mở cửa. Đối với đội ngũ doanh nhân chúng tôi ghi nhận đây là điểm son"- Ông Huỳnh Văn Minh nói.

 Trong quá trình điều hành đất nước, để xây dựng được những thể chế nền tảng đổi mới kinh tế, tạo sức bật cho các thành phần kinh tế, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã huy động tốt nguồn lực trí tuệ của giới trí thức, chuyên gia kinh tế. Sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông đã nâng Tổ tư vấn Chính phủ lên thành Ban tư vấn Chính phủ và trân trọng lắng nghe những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức, dù không ít ý kiến đó có khi trái chiều. Để huy động được đội ngũ trí thức tham gia Ban tư vấn Chính phủ, ông đích thân viết thư mời từng người. Chính vì vậy nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã dốc lòng đóng góp trí tuệ, công sức để góp phần xây dựng những thể chế, quyết sách hiệu quả phát triển đất nước.

"Thư đóng dấu treo, nhưng của Thủ tướng Phan Văn Khải, ở dưới ký tên, mời người nhận thư ghi là kính gửi, chứ không phải thân mời, mến gửi… và rất mong đồng chí nhận lời mời của tôi. Bức thư đó là kỷ niệm có ý nghĩa rất đặc biệt, đó là thái độ chiêu hiền đãi sĩ của những người lãnh đạo rất cao đối với trí thức, chuyên gia"- Luật sư Trương Trọng Nghĩa, người có 8 năm làm việc tại Ban tư vấn Chính phủ nhớ lại.

Chính sự gần gũi, giản dị và biết trân trọng đội ngũ trí thức nên nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã huy động được nguồn lực trí tuệ cùng ông điều hành đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 1997 và vững vàng đưa nền kinh tế nước ta nhiều năm tăng trưởng cao hơn 7,5%/năm. Những góp của ông luôn ghi dấu ấn tốt trong lòng người dân và giới doanh nhân, trí thức.

Theo LỆ HẰNG (VOV)