Phát động “Tết trồng cây”

11/01/2018 - 01:00

 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu việc trồng cây phải đạt hiệu quả, không chạy theo hình thức, lựa chọn vị trí, thời điểm trồng phù hợp để tỷ lệ cây sống cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền (TT) để cộng đồng cùng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng.

Phát huy vai trò truyền thông

Phát huy hiệu quả TT các năm 2016 và 2017, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp Báo An Giang triển khai kế hoạch TT lĩnh vực NN&PTNT năm 2018. Thực hiện chỉ thị của Bộ NN&PTNT về phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2018, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lữ Cẩm Khường đã giao Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với Báo An Giang đẩy mạnh TT hoạt động ý nghĩa này, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện trồng cây phân tán.

Việc TT thực hiện từ giai đoạn tạo giống trong vườn ươm đến khi xuống giống trồng cây tại hiện trường xã, ấp và tại lễ phát động “Tết trồng cây” do các huyện, thị xã, thành phố tổ chức. Cùng với TT trên Báo An Giang, Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Kiểm lâm vận động công chức, viên chức ngành kiểm lâm viết tin bài, đưa lên website Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm nhằm động viên các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng.'

Ông Khường giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đẩy mạnh TT, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây”. Khi tổ chức các đợt kiểm tra gieo ươm cây giống, xuống giống trồng cây của các địa phương, Chi cục Kiểm lâm mời phóng viên tham gia ghi nhận thông tin, hình ảnh để viết tin, bài TT về vai trò, tác dụng và giá trị của việc trồng cây, trồng rừng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

“Thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”

Để đảm bảo tiêu chí trên, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của địa phương mình vào đầu mùa mưa, đồng thời lồng ghép vào kế hoạch trồng cây lâm nghiệp phân tán của địa phương năm 2018.

“Thời điểm tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đề nghị lấy ngày 19-5 (ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) và ngày 5-6 (ngày Môi trường thế giới) để các địa phương tổ chức thực hiện cho phù hợp điều kiện thời tiết. Thời điểm này, do có mưa nhiều nên cây trồng đạt tỷ lệ sống cao hơn” - ông Lữ Cẩm Khường lưu ý.

Cùng với tổ chức “Tết trồng cây”, Sở NN&PTNT giao Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018, thực hiện theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg, ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chi cục Kiểm lâm cùng các Hạt Kiểm lâm còn được giao phối hợp với Phòng NN&PTNT (hoặc Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng) các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khảo sát, lập kế hoạch trồng cây chi tiết đến từng cơ quan, đơn vị, trường học, bờ kênh mương, trục lộ giao thông, cụm tuyến dân cư… theo sát thực tế, để khi thực hiện trồng cây sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Chi cục Kiểm lâm được giao chuẩn bị sản xuất cây giống lâm nghiệp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Việc chuẩn bị sẵn sàng cây giống vừa để phục vụ kịp thời cho “Tết trồng cây” vừa cung cấp theo kế hoạch trồng cây trong năm đã thống nhất với các địa phương, trước mắt là trồng cây phân tán vụ 1 (mùa mưa). Chi cục Kiểm lâm còn có nhiệm vụ thực hiện quản lý chất lượng cây giống theo quy chế quản lý giống cây lâm nghiệp của Bộ NN&PTNT.

Năm 2017, nhờ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đều khắp trên địa bàn tỉnh gắn với kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán nên tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên địa bàn An Giang đạt 22,4% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh). Năm 2018, tỉnh đề ra chỉ tiêu giữ vững tỷ lệ này.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN