Phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng

10/11/2018 - 08:53

Vừa qua, TP Cần Thơ triển khai dự án “Liên kết các đối tác và các tổ chức cộng đồng trong hoạt động tối ưu hóa và mở rộng mô hình chăm sóc người bệnh lao toàn diện tại Việt Nam” (dự án ZERO TB). Qua thực hiện dự án, phát hiện, điều trị sớm cho nhiều bệnh nhân lao còn “ẩn” trong cộng đồng...

A A

Chị Thái Thị Thanh Hiền hướng dẫn bệnh nhân lao uống thuốc

Phát hiện từ khi chưa có triệu chứng

Gặp chú N., phường An Cư, quận Ninh Kiều ở trạm y tế sau gần một tháng điều trị lao, chú vui mừng cho biết: “Chú khỏe nhiều rồi. Nhờ cô Hiền cho phiếu đi chụp X-quang, chú đi chụp, làm cả Gene Xpert, phát hiện bệnh lao tái phát, kịp thời điều trị. Tất cả đều miễn phí. Ngoài ra, vợ tôi cũng được phát phiếu chụp X-quang miễn phí để tầm soát bệnh lao”.

Cô Hiền mà chú N. nhắc đến là chị Thái Thị Thanh Hiền, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao Trạm Y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều. Chú N. mắc lao cách đây hơn 30 năm. Bệnh đã điều trị khỏi nhưng nay bệnh lại quay lại mà chú không hề có triệu chứng gì. Chú N. cho biết: “Thỉnh thoảng tôi bị mệt, ho nhưng nghĩ do bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), cao huyết áp và hở van tim gây ra nên không đi khám lao”.

Theo lời chị Thái Thị Thanh Hiền, tháng 8-2018, trạm y tế bắt đầu triển khai dự án “Liên kết các đối tác và các tổ chức cộng đồng trong hoạt động tối ưu hóa và mở rộng mô hình chăm sóc người bệnh lao toàn diện tại Việt Nam” (gọi tắt là ZERO TB - Việt Nam).  Khi triển khai, trạm y tế rà soát tìm người dân thuộc các đối tượng như: bệnh nhân điều trị lao các năm 2018-2017-2016; những người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao 2018-2017-2016; người có bệnh đồng mắc hen, COPD, đái tháo đường; người trên 70 tuổi; người nhiễm HIV. Cán bộ trạm sẽ cùng cộng tác viên đến từng nhà phỏng vấn, ghi phiếu để người dân chụp X-quang. Nếu kết quả bất thường, nghi lao, thì tiếp tục làm Gene Xpert. Nếu kết quả mắc bệnh lao, thì sẽ đưa ngay vào điều trị.

Y sĩ Trần Việt Thắng, Tổ trưởng Tổ Lao, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, cho biết: Dự án có 16 cộng tác viên ở 13 phường, được tập huấn, hỗ trợ chi phí để làm công tác tìm đối tượng, tuyên truyền, vận động người dân chụp X-quang. Sau đó, tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh trong quá trình điều trị.

Tính đến 29-10-2018, quận Ninh Kiều đã sàng lọc 2.116 người; đã tầm soát 1.717 người; chuyển gởi chụp X-quang 1.664 người. Qua đó, đã có 490 người chụp X-quang; 75 trường hợp làm Gene Xpert, phát hiện 13 trường hợp mắc lao, trong đó có 1 ca  lao kháng thuốc, 9 ca lao mới, còn lại lao tái trị. Theo y sĩ Trần Việt Thắng, tất cả các ca phát hiện đều được đưa vào điều trị ngay, góp phần giảm lây bệnh cho cộng đồng. Đồng thời bệnh nhân được phát hiện sớm. Trong thực tế, khoảng 20% bệnh nhân lao ở giai đoạn sớm không có dấu`hiệu bệnh như ho, sốt… 13 ca lao ở quận Ninh Kiều, đa số đều là người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao (sống chung nhà).

Kiên trì vận động, hỗ trợ người bệnh

Ngoài quận Ninh Kiều, dự án cũng triển khai tại quận Thốt Nốt. Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, từ đầu tháng 8-2018 đến 29-10-2018, Ninh Kiều và Thốt Nốt đã sàng lọc 3.710 người dân. Trong đó đã tầm soát 2.790 ca, chuyển gởi chụp X-quang 2.732 người và chụp X-Quang cho 1.071 người. Qua đó, các trường hợp phổi tổn thương nghi lao tiếp tục được làm Gene Xpert là 102 người. Kết quả phát hiện 17 trường hợp mắc bệnh lao. Trong đó, bệnh nhân mới là 12 người và 5 trường hợp tái trị. Ngoài ra, phát hiện 1 trường hợp lao kháng thuốc.

Sau 3 tháng triển khai dự án, theo đánh giá của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, dự án hoạt động thuận lợi do được sự quan tâm chỉ đạo của Bệnh viện phổi Trung ương; hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật từ Tổ chức phi chính phủ FIT; cán bộ từ thành phố đến phường, xã nhiệt tình; kinh phí cấp đầy đủ đảm bảo cho các hoạt động của dự án. Tuy nhiên, trình độ sử dụng máy tính bảng của cộng tác viên chưa cao, có nơi cộng tác viên hoạt động nhiều lĩnh vực nên tiến độ thực hiện chậm, cán bộ quản lý chương trình lao phường hỗ trợ là chính.

Chị Thái Thị Thanh Hiền cho biết: Với bệnh nhân lao cũ, dễ vận động hơn do họ hiểu bệnh này; còn người dân ở cộng đồng rất khó vì họ ngại đi chụp X-quang, nhất là nghe đến bệnh lao càng ngại. Cán bộ chống lao, cộng tác viên kiên trì đến nhà người dân tuyên truyền vận động, có khi đi 2-3 lần để người dân hiểu rõ lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Nếu người dân họ e ngại chụp X-quang, cán bộ tập trung nhóm từ 5-10 người dẫn đi thì người dân mới mạnh dạn tham gia. Từ đó, số lượng người dân được tầm soát bệnh lao mới đạt chỉ tiêu dự án.

Hướng tới, theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, cán bộ quản lý lao sẽ hỗ trợ cho việc tầm soát, tăng cường công tác tầm soát để đạt chỉ tiêu của dự án. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ sở chụp X-quang để kịp thời rà soát những người chưa đến chụp X-Quang để mời lại. Trước đây, phần lớn bệnh nhân khi có triệu chứng ho, sốt, sụt cân… mới đi khám. Khi thực hiện dự án, nhờ chủ động tầm soát đối tượng nguy cơ nên phát hiện sớm bệnh nhân lao trong cộng đồng. Từ đó, bệnh nhân được điều trị sớm và tránh lây bệnh cho người thân, cộng đồng.

Theo H. HOA (Báo Cần Thơ Online)