Phát hiện “tiền đề” cho sự sống trên mặt trăng băng giá của sao Thổ

04/10/2019 - 14:15

Phát hiện này đã đặt ra những câu hỏi mới thú vị về việc liệu con người có đơn độc trong vũ trụ hay không.

Theo các nhà nghiên cứu, ở sâu dưới những đại dương nguyên sơ bị đóng băng của Enceladus - mặt trăng của sao Thổ, có thể che đậy những những điều kiện cho sự sống. Phát hiện này đã đặt ra những câu hỏi mới thú vị về việc liệu con người có đơn độc trong vũ trụ hay không.

Tàu Cassini thăm dò mặt trăngEnceladus của sao Thổ. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu những dữ liệu được chuyển về từ tàu thăm dò Cassini của NASA, các nhà nghiên cứu phát hiện Enceladus phát ra “các hợp chất hữu cơ kiểu mới” từ lớp băng trên bề mặt các đại dương của nó. Vật chất này có thể tạo nên “tiền đề lý tưởng” cho sự “tổng hợp các chất hữu cơ liên quan về mặt sinh học”, trong đó có cả a-xít amino – thành phần tạo nên protein và đóng nhiều vai trò khác trong sự sống.

Phát hiện này được đăng tải trên Tạp chí Xã hội Thiên văn học Hoàng gia ngày 2-10.

Biểu đồ minh họa lớp bên trong mặt trăng Enceladus. Ảnh: NASA

 “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu các a-xít amino có cần thiết cho sự sống ngoài Trái Đất hay không, nhưng việc phát hiện các phân tử tạo thành axit amini là một mảnh quan trọng của câu đố”, Nozair Khawaja, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết trong một cuộc họp báo.

Nếu các điều kiện là đúng, thì những phân tử đến từ sâu bên dưới đại dương của Enceladus có thể có cùng kiểu phản ứng sinh hóa như chúng ta đã thấy trên Trái Đất.

Nhiệm vụ của tàu thăm dò Cassini kéo dài 20 năm và đã kết thúc năm 2017. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu những dữ liệu mà Cassini thu thập được trong nhiều thập kỷ tới.

Theo VOV