Phát huy hiệu quả mô hình cụm, tuyến dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy

29/03/2019 - 07:55

 - Ở huyện Phú Tân, việc xây dựng mô hình khu dân cư, cụm, tuyến dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được lãnh đạo địa phương đặc biệt coi trọng. Toàn huyện có 92 đội PCCC dân phòng, với 1.000 thành viên, được trang bị 111 máy bơm chữa cháy. Đặc biệt, phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa bàn dân cư những năm qua đã góp phần hạn chế thiệt hại sự cố hỏa hoạn gây ra.

Với phương châm “Phòng cháy là chủ yếu”, Ban Chỉ đạo PCCC Công an huyện Phú Tân đã chủ động phối hợp Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về nguy cơ cháy và biện pháp PCCC trong sử dụng điện, lửa sinh hoạt, xăng, dầu, gas, hóa chất tại các chợ, khu vực đông dân cư. Huyện còn củng cố và phát triển phong trào toàn dân tham gia PCCC đến tận cơ sở, gắn với phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Trung tá Đỗ Thành Nghị, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính (Công an huyện Phú Tân) cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCCC được tiến hành một cách thường xuyên, nghiêm túc. Từ đó, phong trào “Toàn dân PCCC” ngày càng lan tỏa, góp phần phòng ngừa, kiềm chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngay từ giai đoạn ban đầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng PCCC dân phòng và lực lượng PCCC tại chỗ thường xuyên được củng cố, năm 2018, trên địa bàn xảy ra 1 vụ cháy tại xã Phú An, thiệt hại tài sản khoảng 46 triệu đồng, giảm 4 vụ so năm 2017.

Xe PCCC lưu động của xã Phú Bình

Thị trấn Phú Mỹ là địa bàn đô thị đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nếu xảy ra sự cố thì xe chuyên dụng của lực lượng PCCC di chuyển rất khó vào những con hẻm nhỏ. Xuất phát từ tình hình trên, ông Huỳnh Ngọc Năm, ngụ ấp Trung 3, đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn góp tiền để đóng xe đẩy chữa cháy mini. Xe có tải trọng khoảng 500kg, chứa được 2m3 nước, tổng trị giá gần 7 triệu đồng. Ông Năm cho biết, trước đây, một vài anh em cùng nhau đóng xe chữa cháy nhưng khá nhỏ, không đảm bảo đủ nước để vào các con hẻm trong chợ. Thấy vậy, ông có ý nghĩ đóng xe lớn hơn nhưng vẫn đảm bảo chở nước len được vào các con hẻm. Xe gọn, đáp ứng được mục đích chữa cháy ban đầu trong khi chờ xe chữa cháy chuyên nghiệp đến, không để xảy ra cháy lan gây thiệt hại về người và tài sản. Sau thời gian phát huy hiệu quả, ông Năm tiếp tục vận động mọi người đóng góp làm thêm chiếc xe thứ 2. Đội PCCC của ông có 7 người luôn phân công trực 24/24 giờ, hàng tuần kiểm tra máy móc, xăng, nhớt, mỗi tháng Công an huyện Phú Tân xuống tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy để nâng dần kỹ năng chuyên nghiệp. Ông Năm còn vận động các hộ sống lân cận, cơ sở sản xuất kinh doanh trang bị bình chữa cháy, qua đó đã có trên 50% hộ đồng tình thực hiện.

Tại xã Phú Bình, hiện có 2 cụm, tuyến dân cư nằm ở xa kênh, rạch, nên khó khăn trong việc PCCC. Tận dụng xe nhà vàng bỏ trống, không sử dụng, UBMTTQVN xã đã vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn xã cải tiến lại thành xe chữa cháy, có tải trọng 6,5 tấn, thể tích bồn chứa khoảng 4m3 nước, có vòi rồng, ống dẫn nước, tổng kinh phí trên 78 triệu đồng. Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Bình Nguyễn Văn Lập thông tin, năm 2016, thực hiện “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, địa phương thực hiện phong trào toàn dân PCCC trong cụm, tuyến dân cư. UBMTTQVN xã đã bàn bạc, vận động người dân xây dựng các giếng nước phục vụ chữa cháy, khi có sự cố thì dùng bình xăng bơm nước. Với cách làm này, bình xăng phải được khởi động thường xuyên, trong khi người dân bận đi làm, ít có thời gian để ý bảo quản theo quy định. Cũng với mô hình này, năm 2018, xã nâng cấp xe nhà vàng không sử dụng thành xe chữa cháy lưu động. Để chủ động hơn, địa phương đã bàn giao xe cho công an và quân sự quản lý.

Mỗi năm sơ kết phong trào “Toàn dân PCCC” trên địa bàn, huyện Phú Tân lại ghi nhận thêm nhiều mô hình mới, nổi bật là tinh thần hưởng ứng của bà con ở một số địa phương đã tự nguyện sáng chế ra nhiều phương tiện PCCC rất hay, linh hoạt, hiệu quả. Điển hình như xe tự chế PCCC tại xã Hòa Lạc, thiết bị chữa cháy của xã Phú Hưng, Tân Hòa… đều do cán bộ và nhân dân đóng góp tự trang bị để chủ động giữ an toàn cho người, tài sản trước “giặc lửa”. Ngoài ra, các xã còn vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tự trang bị bình chữa cháy mi-ni trong gia đình, hoặc đặt tại đầu hẻm để đảm bảo PCCC kịp thời.

Các mô hình an toàn về PCCC đã phát huy tối đa hiệu quả, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trong công tác PCCC, góp phần kéo giảm số vụ cháy nổ trên địa bàn toàn huyện trong thời gian qua.

MỸ HẠNH