Phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết sản xuất

12/12/2019 - 07:37

 - Kế hoạch đến cuối năm 2020, An Giang sẽ thành lập mới thêm 90 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Đồng thời xây dựng và hỗ trợ những HTX này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN).

Hạn chế đổ vỡ hợp đồng

Nhận thấy liên kết sản xuất là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo giai đoạn 2016-2025. Tuy nhiên, diện tích thực hiện hàng năm vẫn còn khá khiêm tốn, chiếm chưa tới 10% so tổng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là phần lớn diện tích liên kết đều canh tác các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976, Japonica, nếp CK92, CK2003; một số giống lúa của Lộc Trời (OM5451, LT1, LT18, LT604, LT605)… Nông dân tham gia liên kết bán được lúa giá tốt hơn bên ngoài.

Thực tế cho thấy, đối với những DN tham gia xây dựng mô hình HTX kiểu mới, tính liên kết bền vững hơn. Điển hình như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đến nay đã thực hiện mô hình liên kết sản xuất hàng năm đạt khoảng 10.000ha trên địa bàn An Giang. Nếu như trước đây, việc ký hợp đồng với cả ngàn nông hộ nhỏ lẻ gây rất nhiều khó khăn, mất thời gian cho công tác quản lý thì sau khi thành lập được 4 HTX kiểu mới (công ty cử cán bộ tham gia điều hành HTX), việc liên kết thuận lợi hơn nhiều. HTX đứng ra hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ với Lộc Trời. Giá lúa bao tiêu của công ty đảm bảo từ bằng đến cao hơn so với thị trường, riêng một số giống lúa như LT18, công ty cam kết thu mua với giá cố định là 6.500 đồng/kg lúa tươi (cao hơn bên ngoài).

Đối với Công ty TNHH Angimex- Kitoku, tuy diện tích liên kết chỉ xoay quanh mức 5.000ha/năm nhưng là liên kết rất bền vững, tồn tại hàng chục năm qua. Cách làm của công ty là xác định giá thu mua lúa ngay từ đầu vụ, giúp nông dân dễ dàng tính toán được lợi nhuận để quyết định tham gia liên kết. Công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và thu mua cuối vụ. Vụ đông xuân 2018-2019, công ty thu mua lúa Nhật với mức giá cố định từ 7.400-8.100 đồng/kg (tùy loại giống), giúp nông dân tránh được tác động giá lúa sụt giảm đầu năm 2019. Dự kiến sắp tới, công ty sẽ cử người tham gia HTX kiểu mới trong sản xuất lúa Nhật, đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định lâu dài.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết sản xuất

Liên kết sản xuất chặt chẽ sẽ hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá”

Hướng đến bền vững

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, An Giang đã mời gọi, hỗ trợ nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời đầu tư tiêu thụ lúa theo tiêu chuẩn SRP; Tập đoàn OLAM tiêu thụ lúa giống Nàng Hoa 9, Jasmine 85; Tập đoàn Sun Rice tiêu thụ lúa gạo hạt tròn; Tập đoàn Tân Long, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương liên kết tiêu thụ gạo đặc sản. Đối với cá tra có Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt. Trong khi đó, lĩnh vực trái cây có các công ty: Chánh Thu, Kim Nhung, Cát Tường, Hoàng Phát… Các DN đẩy mạnh liên kết với tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX) trên địa bàn tỉnh để có vùng nguyên liệu lớn và chất lượng ổn định, phương thức thực hiện phù hợp theo nhu cầu sản xuất tại các địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có các tập đoàn lớn như: TH, FLC… đến đầu tư và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân An Giang.

Theo ông Lâm, để liên kết hiệu quả và bền vững, tỉnh sẽ tập trung nâng chất các HTX nông nghiệp hiện có. Đến cuối năm 2020, sẽ thành lập mới thêm 90 HTX nông nghiệp. “Tỉnh sẽ xây dựng và hỗ trợ những HTX này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và DN để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứng dụng công nghệ cao… Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của DN, DN có vùng nguyên liệu chất lượng cao, dần kiểm soát được giá cả sản xuất” - ông Lâm nhấn mạnh.

Thời gian tới, ngành chuyên môn tỉnh sẽ tập huấn cho hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX về các kỹ năng như: đàm phán hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kế hoạch sản xuất - kinh doanh để thực hiện hợp đồng; lợi ích khi tham gia các tổ chức đại diện nông dân để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; quy trình sản xuất đảm bảo dư lượng trên các loại nông sản… “Chỉ có liên kết sản xuất theo quy mô lớn, HTX nông nghiệp làm trung tâm kết nối với DN; DN xác định trước nhu cầu thị trường tiêu thụ để định hướng sản xuất mới đảm bảo được quan hệ cung - cầu hài hòa, nông dân mới tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”. Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đây là điều mà ngành nông nghiệp An Giang quyết tâm thực hiện” - ông Lâm khẳng định.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích