Phát huy vai trò người cao tuổi trong xây dựng xã hội học tập!

01/10/2019 - 07:35

 - Hiện nay, nhiều người trong độ tuổi 60-75 còn khá tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo thế hệ trẻ, sản xuất nghề truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và nhất là các công việc mang tính nhân đạo, từ thiện. Đó cũng chính là “điểm sáng” nhằm phát huy vai trò người cao tuổi trong xã hội hiện đại, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin thì nội dung học tập thường xuyên, học tập suốt đời càng trở nên đa dạng. Và Trung tâm Học tập cộng đồng ra đời đã góp phần tích cực trong việc tạo cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Đó có thể là những lớp học nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ để người cao tuổi mở rộng phạm vi giao tiếp xã hội, cập nhật thông tin, đáp ứng nhu cầu tự học và giải trí trên các trang mạng. Hay các lớp học theo chương trình chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất và tăng thu nhập, giúp người cao tuổi có việc làm thêm để cải thiện đời sống. Đó còn là mở các lớp huấn luyện về bảo vệ sức khỏe, tập luyện dưỡng sinh, những kiến thức cơ bản về cách phòng, chống bệnh tật…

 Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập

Học tập là phương pháp rèn luyện sức khỏe tinh thần có ý nghĩa đối với việc giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích trong xã hội hiện đại. Điển hình như Câu lạc bộ Liên thế hệ vừa thành lập cách đây không lâu ở ấp Trung Phú 2  (xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn). Câu lạc bộ được kỳ vọng sẽ phát huy hết vai trò, khả năng của mình, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, nuôi dạy con cháu thành người có ích. Theo đó, mô hình được thành lập nhằm nâng cao chất lượng trao đổi giữa người cao tuổi và chính quyền địa phương, tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận tốt hơn các thông tin, chính sách liên quan đến sự phát triển của địa phương, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân và có những đóng góp thiết thực. Tạo cơ hội để các thành viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cháu.

“Sống vui, sống khỏe, sống có ích” là phương châm và tiêu chí hàng đầu với đại đa số người cao tuổi hiện nay. Thế nên mới xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương người cao tuổi góp sức xây dựng quê hương, nuôi dạy con cháu thành đạt. Ví dụ như chú Trần Đình Chín (70 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn), dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chú vẫn rất nhiệt tình tham gia nhiều phong trào xây dựng cầu, đường do địa phương phát động nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. “Tôi tự nguyện hiến gần 500m2 đất để địa phương mở đường làm lộ khang trang, sạch đẹp; đồng thời vận động anh em, lối xóm tích cực tham gia hiến đất vì sự giàu đẹp của quê hương. Ngoài ra, tôi còn tham gia đóng góp nhiều ngày công cùng lực lượng thi công cầu sớm hoàn thành công trình. Với tôi, tuổi dù cao nhưng chí còn cao hơn, ó thể cống hiến được gì cho địa phương thì bản thân sẽ cố gắng hết mình” - chú Chín bày tỏ.

Đâu dừng lại ở đó, người cao tuổi ngày nay còn rất tích cực với sự nghiệp giáo dục. Một trong những gương điển hình cho hình ảnh người cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong các phong trào chú Nguyễn Hữu Thời (69 tuổi, cựu chiến binh phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). “Ngày đó, khóm Nguyễn Du có rất nhiều trẻ em nghèo, phần đông là con em lao động nên không được học hành, có nhiều biểu hiện và hành vi tiêu cực như: trộm cắp, vô lễ, quậy phá… Tôi chợt nghĩ, phải làm gì đó để giúp cho những đứa trẻ ấy đến được với con chữ. Nghĩ vậy, năm 1993, tôi đề xuất lãnh đạo phường mở một lớp học tình thương để tập hợp các cháu không có điều kiện đến trường, nghèo khó cơ nhỡ có nơi học tập, vui chơi lành mạnh, tránh xa phần tử xấu” - chú Thời bộc bạch.

Người cao tuổi có vai trò và vị thế quan trọng trong xã hội, đặc biệt là xã hội học tập mà nước ta đang xây dựng. “Tuổi cao, chí càng cao”, tinh thần ấy không hề suy giảm mà ngày càng phát huy khi ngày càng xuất hiện nhiều gương người cao tuổi tích cực vì cuộc sống cộng đồng.

PHƯƠNG LAN