Phát triển các giống đậu xanh mới

04/12/2018 - 08:39

 - Việc thử nghiệm thành công các giống đậu xanh của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần cải tạo đất ở những vùng ít phù sa, bạc màu.

ThS Trần Ngọc Phương Anh (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ) thông tin: “Cây đậu xanh có nhiều lợi thế so với cây trồng khác, vì chu kỳ sinh trưởng ngắn nên né tránh thiên tai do thời tiết, có thể luân canh, giảm thiểu sự lây lan các loại dịch hại cây trồng. Ngoài ra, cây họ đậu còn có thể cải tạo đất, giúp giảm thiểu đầu tư phân đạm vô cơ so với các loại cây trồng khác, nhờ đó bảo vệ môi trường tốt hơn. Một ưu thế nữa là đậu xanh dễ trồng, dễ canh tác và cần ít nước tưới nên người trồng không mất nhiều công sức”.

Vốn là cây trồng “lâu đời” ở Việt Nam và được xem là mô hình kinh tế phụ, nên đậu xanh được chọn canh tác ở nơi đất xấu, điều kiện canh tác không đảm bảo dẫn đến năng suất thấp, nguồn giống bị thoái hóa. Do đó, việc chuyển đổi nhận thức để người dân “ưu ái” hơn với cây trồng ngắn ngày theo hướng có lợi cho sản xuất, an toàn môi trường, đã trở thành hướng đi đúng đắn. Từ đó, nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và tạo ra nhiều giống đậu xanh mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ sản xuất.

Nông dân tham quan mô hình thực nghiệm giống đậu xanh mới

Các giống đậu do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thử nghiệm là ĐXBĐ.07, ĐXBĐ.08, ĐXBĐ.09, ĐX.208 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp và 1 giống đối chứng là ĐX.208 do Công ty Giống cây trồng miền Nam cung cấp. Qua kết quả khảo nghiệm, các giống đậu xanh nói trên chống chịu tốt với bệnh héo lá xanh vi khuẩn, bệnh đốm lá và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương. Trong đó, giống có năng suất cao nhất là ĐXBĐ.08 đạt 2,3 tấn/ha và năng suất thấp nhất là ĐXBĐ.09 cùng ĐX.208 với 1,5 tấn/ha.

Theo nhiều nông dân tham quan mô hình, các giống ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08 có nhiều ưu điểm hơn cả và có thể nhân rộng trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Phổi (nông dân xã Bình Hòa, Châu Thành) nhận định: “Tôi thấy giống ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08 rất phù hợp để trồng bởi ít sâu bệnh, ít đổ ngã, trái dài, nhiều hạt. So với giống đậu xanh Nhật tôi đang trồng thì năng suất trội hơn nhiều. Trước kia, tôi chỉ thu 6 giạ hạt/công, trong khi các giống mới cao hơn. Nếu ngành chuyên môn tạo điều kiện, tôi sẽ “thử sức” với các giống đậu xanh mới này. Thực tế, nếu phẩm chất hạt tốt thì giá trị kinh tế của đậu xanh không hề thấp”.

Về điều kiện phát triển các giống đậu này, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành mong muốn mở rộng diện tích canh tác. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Huỳnh Phước Hiên cho biết: “Thực tế, diện tích đất canh tác đậu xanh trên địa bàn không nhiều, người dân chủ yếu trồng ở bờ kênh hay những khu vực đất gò cao phù sa ít với mục đích cải tạo đất và tăng thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn mở rộng diện tích canh tác đậu xanh bởi giá trị kinh tế khá và có tác dụng tốt với môi trường. Định hướng của chúng tôi là hướng dẫn bà con trồng đậu xanh ở những vụ canh tác đầu nhằm cải tạo đất, sau đó chuyển đổi sang những cây trồng khác. Bên cạnh đậu xanh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn hỗ trợ địa phương phát triển mô hình cà tím gốc ghép đang mang lại những tín hiệu tích cực. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cây đậu xanh sẽ có kết quả tương tự”.

Với những tác dụng tích cực từ cây đậu xanh, ngành chuyên môn cần có hướng hỗ trợ nông dân mở rộng mô hình, tạo điều kiện để bà con cải thiện kinh tế từ loại cây “thân thiện” với môi trường. Bởi, cây đậu xanh dù chưa được nông dân quan tâm đúng mức nhưng vẫn đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hiện nay.

THANH TIẾN