Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 1: Số lượng và chất lượng đảng viên không ngừng tăng lên

03/10/2019 - 08:00

 - Lời Tòa soạn: Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang có bước phát triển khá tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ nét. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm, góp phần xây dựng hệ thống chính trị các cấp ngày càng vững mạnh.

Xuôi theo dòng sông Hậu, An Giang - một tỉnh miền Tây Nam Bộ - gây ấn tượng về một tỉnh nông nghiệp thuộc vùng biên giới, với thế mạnh về cây lúa và con cá. Tỉnh có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Dân số An Giang có khoảng 2,15 triệu người (đứng thứ 6 cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long), với 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (dân tộc Kinh chiếm trên 94% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer chiếm 4,2%, ĐBDTTS Chăm chiếm trên 0,67%; ĐBDTTS Hoa chiếm trên 0,38%). Đảng bộ tỉnh An Giang có 15 đảng bộ trực thuộc, 829 tổ chức cơ sở Đảng, với 64.168 đảng viên, chiếm 3,36% dân số toàn tỉnh.

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 1: Số lượng và chất lượng đảng viên không ngừng tăng lên

Một tiết mục văn nghệ của ĐBDTTS Hoa

ĐBDTTS Khmer chủ yếu tập trung ở huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, sống theo từng phum, sóc liền kề chân núi hoặc vùng đất giồng, gò cao; có tập quán canh tác nông nghiệp ở vùng cao dựa vào tự nhiên, chăn nuôi gia đình, làm thuê theo mùa vụ, công cụ lao động giản đơn. Hầu hết ĐBDTTS Khmer ở An Giang theo đạo Phật giáo Nam Tông, đời sống văn hóa tinh thần và thiết chế cộng đồng gắn với nhà chùa. ĐBDTTS Chăm sống tập trung ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú, hầu hết theo đạo Hồi (Islam), sinh hoạt tôn giáo ở các thánh đường và tiểu thánh đường. Phần lớn ĐBDTTS Chăm sinh sống bằng nghề mua bán nhỏ, chăn nuôi, dệt vải, thêu đan, chài lưới, đánh bắt thủy sản. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, hành hương, du học... được duy trì, phát triển. Trong khi đó, ĐBDTTS Hoa phần lớn sống ở các trung tâm đô thị của tỉnh, chủ yếu theo đạo Phật giáo Đại Thừa, đạo Khổng và tín ngưỡng dân gian, chuyên nghề kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Vì vậy, họ có đời sống vật chất ổn định và không ngừng phát triển.

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 1: Số lượng và chất lượng đảng viên không ngừng tăng lên

ĐBDTTS Chăm với các món ăn truyền thống

Chính vì những đặc thù ấy, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 16-6-2003 về “Công tác dân tộc trong tình hình mới”, để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong vùng ĐBDTTS, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chung. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và địa bàn dân cư, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, nhất là ĐBDTTS. Từ đó đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống vùng ĐBDTTS, biên giới, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 1: Số lượng và chất lượng đảng viên không ngừng tăng lên

ĐBDTTS Khmer cần cù lao động

Nhìn lại 15 năm qua, An Giang luôn tập trung xây dựng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ, như: Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 16-6-2003 “Về công tác dân tộc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23-1-2007 “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS Khmer đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”, Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 26-8-2013 “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”... Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 17-12-2008 về nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng có đông ĐBDTTS Khmer. Trong đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ĐBDTTS được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú (tại TP. Châu Đốc) và 2 trường THCS dân tộc nội trú (tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên); 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là người dân tộc thiểu số phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức. An Giang còn phối hợp Bệnh viện Quân y 121 (thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9) tổ chức đào tạo các lớp y sĩ dành cho học sinh ĐBDTTS Khmer, Chăm, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng ĐBDTTS.

Hiện nay, tỉnh An Giang có 1.522 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (cấp tỉnh 543 người, cấp huyện 675 người, cấp xã 304 người), chiếm 3,42% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được tỉnh chú trọng thực hiện ngay từ cấp học phổ thông, để tạo nguồn cử tuyển đại học và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đại học. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã xét tuyển hệ cử tuyển cao đẳng, đại học cho 396 học sinh người dân tộc thiểu số; hệ đại học dự bị chuyên nghiệp 445 học sinh. Đồng thời, quan tâm đào tạo chuyên môn sâu, chuẩn hóa và bồi dưỡng cho cán bộ người dân tộc thiểu số. Nhiều đồng chí là cấp ủy viên cấp huyện, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị; nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng ngoại ngữ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 18-12-2006 về “Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn”, trọng tâm là tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, chăm lo chế độ, chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở gắn với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Hệ thống chính trị các cấp có người dân tộc thiểu số tham gia ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có gần 500 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 1,79% so với đảng viên toàn tỉnh), thì đến năm 2009, tỷ lệ này là 2,16%; năm 2018 là 2,57%.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số không ngừng trưởng thành, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát với quần chúng nhân dân. Hiện nay, các khóm, ấp có đông ĐBDTTS đều có tổ chức Đảng và đảng viên là người dân tộc thiểu số (trong tổng số 1.640 đảng viên là người dân tộc thiểu số, tăng 0,78% so với năm 2003). Nhiều đồng chí là bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng khóm, ấp, góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại địa bàn; kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của ĐBDTTS với cấp ủy, chính quyền địa phương.

(Còn tiếp)

GIA KHÁNH