Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 2: Cách làm của huyện Tri Tôn

04/10/2019 - 08:00

 - Tri Tôn là nơi có số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số đông nhất so với các huyện, thị khác trong tỉnh An Giang (chiếm hơn 40% tổng số đảng viên người dân tộc thiểu số trong tỉnh). Cách làm của huyện có nhiều điểm nổi bật, thể hiện rõ quyết tâm phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), đặc biệt là ĐBDTTS Khmer.

Tri Tôn là huyện dân tộc, miền núi, tôn giáo, biên giới, diện tích đất tự nhiên 60.023,00 ha; dân số 134.930 người với 33.674 hộ (trong đó ĐBDTTS Khmer 45.904 người, chiếm 34,02% dân số toàn huyện; ĐBDTTS Hoa chiếm 1,11%; ĐBDTTS Chăm và dân tộc khác chiếm 0,025%); có đường biên giới Việt Nam - Campuchia dài 15,5 km. Toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn với 79 khóm, ấp (trong đó có 9 xã, thị trấn, 25 khóm ấp có đông ĐBDTTS Khmer sinh sống).

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 2: Cách làm của huyện Tri Tôn

Sản xuất lúa ở huyện Tri Tôn

Toàn huyện có 59 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó 15 Đảng bộ xã, thị trấn, 8 đảng bộ ngành và 36 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên toàn huyện là 3.600 đồng chí, chiếm 2,67% so dân số toàn huyện (tính đến tháng 9-2019), với 707 đảng viên ĐBDTTS (đạt 19,63% so với đảng viên toàn huyện và đạt 1,54% so với ĐBDTTS toàn huyện). Tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 khá cao: cấp ủy huyện 3/41 đồng chí (tỷ lệ 7,31%); cấp ủy cơ sở 59/373 đồng chí (tỷ lệ 15,81%). Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Tri Tôn, ĐBDTTS trên địa bàn huyện với số lượng tương đương 1/3 dân số, 1/5 đảng viên toàn huyện và cán bộ chủ chốt được cơ cấu ở một số ngành từ huyện đến cơ sở, địa bàn dân cư. Đội ngũ cán bộ, đảng viên dân tộc Khmer đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng của Tri Tôn.

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 2: Cách làm của huyện Tri Tôn

Đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang - Kỳ 2: Cách làm của huyện Tri Tôn

Chung tay xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông

“Trong công tác tuyên truyền, địa phương hướng dẫn ĐBDTTS Khmer thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, nhất là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phong tục sản xuất lạc hậu, kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc sang sản xuất kinh tế hàng hóa. Từ đó, kinh tế - xã hội ngày càng được phát triển, khoảng cách giữa các dân tộc đã dần được thu hẹp, các dân tộc đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng và phát triển Tri Tôn ngày càng giàu đẹp. Là huyện dân tộc, biên giới, nên công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và nội địa luôn được quan tâm chú trọng. Đảng viên người dân tộc thiểu số đã góp phần giữ gìn quốc phòng an ninh ở vùng ĐBDTTS được ổn định. Phát huy vai trò của đảng viên, người uy tín, người tiêu biểu, lực lượng nòng cốt trong đồng bào các dân tộc, đây chính là cầu nối, giữ mối thông tin liên lạc giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc và là lực lượng quan trọng trong hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng đồng bào; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn Nguyễn Hữu Ngọc thông tin.

Nhiệm kỳ 2010-2015 trở về trước, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới của Đảng bộ huyện là 700 đảng viên/nhiệm kỳ. Đến nhiệm kỳ 2015-2020 là 500 đảng viên/nhiệm kỳ. Việc điều chỉnh này nhằm để phù hợp với tình hình hiện nay, khi nguồn phát triển Đảng đang bị thu hẹp, qua đó phát triển đảng vừa đảm bảo về chỉ tiêu, vừa đảm bảo về chất lượng. Từ thực tế đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Tri Tôn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy ủy nhiệm Ban Tổ chức Huyện ủy xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới toàn khóa. Đồng thời yêu cầu các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên mới ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng, đảm bảo cơ cấu và trẻ hóa đội ngũ đảng viên phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Kết quả, toàn huyện đã phát triển được 439/500 đảng viên mới (tính từ ngày 1-1-2016 đến tháng 9-2019), đạt 87,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 88 đảng viên mới là ĐBDTTS, chiếm 20,04% so với tổng số đảng viên mới được kết nạp. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, địa phương đã tổ chức kết nạp được 47 đảng viên mới (trong đó, 8 đảng viên người dân tộc thiểu số, tỷ lệ 17,02% so với tổng số được kết nạp).

Đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc phân tích: “Đạt được kết quả nêu trên là do sự quan tâm, nỗ lực tích cực của các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên mới trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác phát triển đảng viên mới của nhiệm kỳ qua, để thấy được những khó khăn, hạn chế, tìm ra nguyên nhân căn cơ nhằm xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Nhằm thực hiện tốt công tác phát triển Đảng nói chung và phát triển đảng viên trong ĐBDTTS nói riêng, Đảng bộ huyện đã quan tâm lãnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số công việc trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên toàn khóa, nhiệm kỳ 2015-2020 trên địa bàn huyện. Đồng thời, phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý giữa các khối, ngành, địa bàn dân cư, giới tính, dân tộc..., nhất là lực lượng khóm, ấp, lực lượng dân quân, dự bị động viên. Tuy nhiên, không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo về chất lượng văn hóa, chuyên môn, lịch sử chính trị để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo quy định của cấp trên. Chỉ đạo các chi, Đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên mới ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng quy định. Hàng năm, các Đảng bộ cơ sở tiến hành sơ kết công tác phát triển đảng viên, chỉ ra những mặt làm được, chưa được; làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong thời gian tới”.

Trong những năm qua, việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng huyện Tri Tôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương chú trọng. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp, góp phần củng cố cơ sở Đảng ngày càng vững chắc, tạo tiền đề cho xã hội ổn định và phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên. Đảng viên nói chung, đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh ở địa phương.

(Còn tiếp)

GIA KHÁNH