Phát triển đô thị và thích ứng biến đổi khí hậu cho Long Xuyên

17/06/2019 - 07:47

 - An Giang vừa đề xuất dự án “Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) TP. Long Xuyên”, nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH, nước biển dâng và nhằm đảm bảo phát triển môi trường xanh bền vững đối với các đô thị trong tỉnh, trong đó Long Xuyên được tập trung trọng điểm.

Triều cường làm ngập sâu đường Nguyễn Hoàng

TP. Long Xuyên là một trong những đô thị lớn thuộc ĐBSCL đã và đang chịu tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng, đòi hỏi quản lý đô thị đồng bộ để đảm bảo khả năng chống chọi của thành phố. “Địa hình TP. Long Xuyên tương đối bằng phẳng, được chia thành 3 khu vực: đô thị cũ (cao trình nền +2.5÷ + 2.8), đô thị mới (cao trình nền +3.1), chưa san lấp (cao trình nền nhỏ hơn +2.0). Hiện trạng hệ thống thoát nước còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức, dù đã được xây dựng cục bộ qua từng thời kỳ. Khi một số tuyến đường đô thị được đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hoặc xây dựng mở, thì hệ thống thoát nước (nước mưa và nước thải) được đầu tư cải tạo. Các dự án này giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng tại một số khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước, nên tình trạng ngập úng trong thành phố vẫn còn tồn tại. Khi vào mùa mưa, nước mưa kết hợp với triều cường gây ra hiện tượng ngập úng tại nhiều tuyến đường, gây khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường chung đô thị. Chưa kể, tác động của BĐKH làm lượng mưa tăng thêm trong mùa mưa, giảm thiểu trong mùa khô. Mực nước biển dâng cao, triều cường khiến việc ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc nhận định.

UBND tỉnh tìm hiểu thông tin từ các bộ, ngành Trung ương, được biết Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang tài trợ cho nhiều đô thị của Việt Nam thực hiện Chương trình nâng cấp, phát triển đô thị và tăng cường khả năng ứng phó của đô thị trong bối cảnh BĐKH diễn biến ngày càng cực đoan. Địa phương trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh được xây dựng dự án, sử dụng vốn tài trợ của WB. Dự kiến, khoảng 65% của kết quả dự án là giảm rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị; 25% tập trung vào việc cải thiện khả năng kết nối với các khu vực có rủi ro thấp hơn của thành phố; 10% nhằm vào mục tiêu nâng cao khả năng quản lý rủi ro thiên tai tại thành phố. Theo đó, giảm nguy cơ ngập lụt đô thị trong các điều kiện thời tiết cực đoan, thời gian ngập lụt không quá 15 phút với mức ngập đường dưới 0,3m; duy trì hoạt động ổn định của đô thị trong mọi tình huống khẩn cấp do thiên tai, BĐKH; hoàn thiện hạ tầng đô thị theo quy hoạch được duyệt, quản lý đô thị theo đúng quy hoạch. Sau khi dự án hoàn thành, tình trạng ô nhiễm môi trường (nước thải, bụi, tiếng ồn) sẽ được cải thiện đáng kể; cảnh quan đô thị và môi trường đô thị có những thay đổi rõ nét.

Hợp phần 1 (kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường) gồm kè rạch Long Xuyên (đoạn từ cầu Tôn Đức Thắng đến trung tâm xã Mỹ Khánh, từ cầu Tôn Đức Thắng đến rạch Mương Điểm), kè sông Hậu (đoạn đuôi dự án Tây sông Hậu - cầu Cái Sắn), cải tạo rạch Cái Sao đến Quốc lộ 91. Hợp phần 2 (phát triển hành lang đô thị) hoàn thiện một số trục ngang và trục dọc kết hợp đô thị lõi và đường vành đai, hiện thực hóa quy hoạch đô thị được duyệt với các công trình để kết nối. Hợp phần 3 (tăng cường quản lý đô thị thích ứng với BĐKH) sẽ phát triển và hoàn thiện hệ thống quản lý đô thị tại Long Xuyên, thông qua việc kết hợp các hoạt động, gồm: quy hoạch giao thông công cộng, xây dựng 3 mốc quan trắc, hệ thống Gis cho quy hoạch xây dựng.

Dự án phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia Việt Nam giai đoạn 2012-2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020, Đề án về phát triển đô thị ứng phó BĐKH, Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam 2025 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 116 triệu USD, chuẩn bị dự án từ năm 2019 đến cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến 2025 thực hiện. Tình hình ngân sách tỉnh hàng năm chỉ đáp ứng được một phần, nên để phát triển, phải cần thêm các nguồn lực hỗ trợ khác và WB, một nhà tài trợ đa phương lớn của Việt Nam. An Giang cam kết chuẩn bị tốt, đầy đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án theo các quy định hiện hành, cân đối từ các nguồn thu hợp lệ của tỉnh. UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ cho tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ODA của WB, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án và hướng dẫn các thủ tục tiếp theo để tiếp nhận nguồn vốn cho dự án.

Trước đó, WB đã tài trợ dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP. Long Xuyên, tổng mức đầu tư 56,4 triệu USD, vốn vay ODA của WB là 40 triệu USD. Trong buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND TP. Long Xuyên nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án ngày 10-6, đoàn công tác WB đánh giá cao việc quan tâm triển khai thực hiện dự án của địa phương. Các hạng mục công trình được triển khai theo đúng thiết kế, quy chuẩn và đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thành phố có đề xuất dự án mới phù hợp với chiến lược của WB đối với định hướng phát triển đô thị khu vực Mekong. Đây là cơ sở quan trọng để đoàn công tác xem xét hỗ trợ Long Xuyên trong thời gian sắp tới, nhằm xây dựng TP. Long Xuyên phát triển bền vững, lâu dài theo hướng phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH