Phát triển du lịch canh nông kết hợp giáo dục học đường

08/04/2019 - 07:52

 - Du lịch nông nghiệp hay du lịch canh nông đang phát triển khá mạnh ở An Giang - địa phương sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này và đạt được một số kết quả khả quan.

An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống từ các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, lúa, thủy sản như: cù lao Giêng (Chợ Mới), làng hồ Tân Trung (Phú Tân)… Nhiều đơn vị trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nông trại Phan Nam, vườn dưa lưới Giving's Farm (TP. Long Xuyên), vườn sinh thái Út Cưng, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc)… thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp.

Công ty TNHH MTV Thương mại-Dịch vụ Phan Nam (Công ty Phan Nam) là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình du lịch canh nôn. Mô hình thực hiện chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch dưới hình thức nông trại, được xây dựng trên diện tích 4ha tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên). Ngoài sản xuất các sản phẩm tự cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, nông trại còn được thiết kế dựa trên 5 tiêu chí của mô hình du lịch canh nông gắn với lợi thế và đặc thù địa phương. Ý tưởng trải nghiệm cảm giác làm nông dân thời công nghệ cao, thưởng thức và mua sắm đặc sản nông nghiệp… là điểm nhấn, nét mới trong định hướng du lịch nông nghiệp của tỉnh.

Phó Giám đốc Công ty Phan Nam Huỳnh Thị Mỹ Chi cho biết: "Từ tháng 7-2018, nông trại Phan Nam từng bước đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng để triển khai mô hình du lịch canh nông. Đã khai thác sử dụng 2ha, 2 nhà màng trồng cà chua bi, 3 nhà màng trồng dưa lưới, 5.000m2 trồng ổi Nữ Hoàng, nhà lưới trồng hoa kiểng ngoài trời và trồng rau ăn lá… B sản phẩm chủ lực của nông trại là cà chua bi, dưa lưới và ổi được cấp thương hiệu và giấy chứng nhận VietGAP. Để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm nông sản sạch tại farm, công ty trồng nhiều loại cây ăn trái như: mít, dừa, cây atiso đỏ, hoa kiểng, rau màu...".

 Điểm nhấn của mô hình du lịch canh nông là chương trình tham quan "Một ngày làm nông dân tại Phan Nam Farm". Du khách đến nông trại Phan Nam khám phá vườn cây ăn trái trồng trong nhà màng, tự tay thu hoạch và thưởng thức rau, củ, quả sạch, tươi mới tại chỗ; hòa mình vào thiên nhiên, bơi xuồng, đạp xe đạp, tham gia hoạt động sản xuất qua các trò chơi tập thể, trải nghiệm về nghề nông…

Nhân chuyến khảo sát mô hình du lịch canh nông tại nông trại Phan Nam, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao ý tưởng của doanh nghiệp, góp phần tạo sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường. Đây là nét mới, tạo điểm nhấn để An Giang phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng trải nghiệm, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch. Tỉnh sẽ tạo điều kiện để công ty sớm triển khai dự án mở rộng nông trại và dự án 100 nhà màng.

Giám đốc Công ty Phan Nam Nguyễn Thị Ngọc Trinh chia sẻ: "Để phát triển nông nghiệp sạch bền vững phải bắt đầu từ việc giáo dục nhận thức cho con em chúng ta từ lứa tuổi mầm non. Do đó, công ty đã ký kết với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên kế hoạch phối hợp phát triển mô hình du lịch canh nông kết hợp giáo dục học đường, để học sinh 56 trường công lập toàn thành phố được trải nghiệm mô hình du lịch học đường vui học cùng thiên nhiên. Đây là bước mở đầu mới trên con đường sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, góp phần quảng bá những sản phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao cũng như tạo tiền đề cho một thế hệ tương lai với sức khỏe, nhận thức tốt và hành động tốt”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Phan Thị Yến cho biết: "TP. Long Xuyên có 56 trường công lập. Ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học. Tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi trong thực hiện chương trình giáo dục và đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục. Đây là hoạt động thiết thực rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh ở các cấp học. Tạo không gian vui chơi bổ ích, thiết thực, giúp học sinh trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và yêu lao động hơn. Đặc biệt, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch cho học sinh ngay từ bậc mầm non; góp phần phát triển mô hình du lịch giáo dục; chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai có ý thức trong việc sản xuất và tiêu dùng nông sản sạch".

Kỹ sư Trần Linh Tâm, Trưởng nông trại Phan Nam cho biết: "Nông trại thu hút khách du lịch càng lúc càng đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, đón hàng ngàn lượt học sinh các trường đến tham quan trải nghiệm, thực nghiệm môn làm vườn, trồng rau muống; được nghe giới thiệu quy trình sản xuất nông sản sạch. Các em rất vui được tham gia các chuyến dã ngoại du lịch học đường thú vị, được trải nghiệm thiên nhiên sau những giờ học căng thẳng, được trải nghiệm cuộc sống đồng quê trong lành”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU