Phi hành đoàn tàu vũ trụ của Nga trở về Trái Đất an toàn

25/06/2019 - 14:24

Phi hành đoàn đầu tiên cùng tàu vũ trụ được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sau sự cố phóng tên lửa Soyuz của Nga tháng 10 năm ngoái đã trở về Trái Đất an toàn ngày 25-6.


3 phi hành gia Oleg Kononenko người Nga (ở giữa), Anne McClain (trái) thuộc NASA và David Saint-Jacques thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Canada. (Nguồn: NASA)

Phi hành đoàn đầu tiên cùng tàu vũ trụ được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sau sự cố phóng tên lửa Soyuz của Nga tháng 10 năm ngoái đã trở về Trái Đất an toàn ngày 25-6.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết 3 phi hành gia Oleg Kononenko người Nga, Anne McClain thuộc NASA và David Saint-Jacques thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Canada đã đáp xuống khu vực thuộc Kazakhstan vào khoảng 2 giờ 48 phút - giờ GMT (tức 9 giờ 48 phút - giờ Việt Nam).

Ngày 3-12 năm ngoái, tên lửa đẩy Soyuz đưa tàu vũ trụ cùng phi hành đoàn lên ISS đã được phóng thành công vào quỹ đạo. Đây là chuyến vận chuyển lên không gian đầu tiên của tàu Soyuz kể từ sự cố xảy ra hồi tháng 10-2018.

Ngày 11-10-2018, tên lửa đẩy Soyuz có nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ Soyuz MS-10 với 2 phi hành gia Alexei Ovchinin của Nga và Nick Hague của Mỹ lên ISS, đã gặp trục trặc trong quá trình phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur. Sự cố xảy ra khi tầng thứ 1 và 2 của tên lửa đẩy tách rời ra ngay sau khi được phóng lên.

Hai phi hành gia đã hạ cánh khẩn cấp xuống khu vực Zhezkazga, miền Trung Kazakhstan và đều may mắn thoát hiểm. Đây là sự cố phóng tên lửa nghiêm trọng đầu tiên mà phi hành đoàn tàu Soyuz gặp phải kể từ năm 1983, thời điểm phi hành đoàn đã thoát hiểm khi vụ nổ xảy ra ngay tại bệ phóng.

Theo thông báo sau đó của ông Sergei Krikalev, Giám đốc điều hành phụ trách chương trình bay của Roscosmos, nguyên nhân khiến tên lửa đẩy Soyuz gặp sự cố là do thiết bị cảm biến bị lỗi.

Đây là bộ cảm biến có nhiệm vụ phát tín hiệu về việc phân tách giữa tầng thứ 1 và tầng thứ 2 của tên lửa. Roscosmos là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về các chương trình khoa học vũ trụ và nghiên cứu không gian của Nga.

Theo NGUYỄN HẰNG (TTXVN/Vietnam+)