Phó Chủ tịch nước: Day trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn

15/11/2018 - 08:48

Tại buổi gặp gỡ 48 tấm gương giáo viên dạy trẻ khuyết tật tiêu biểu vào chiều 14-11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật tiêu biểu 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trò chuyện, động viên và tặng quà cho các giáo viên tiêu biểu. Phó Chủ tịch nước cũng lắng nghe báo cáo thành tích của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018”, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo đang làm công việc dạy học cho học sinh khuyết tật trên cả nước.

Theo  Phó Chủ tịch nước tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc Việt Nam, giáo dục  luôn là đề tài được quan tâm của cử tri cả nước. Từ sau khi đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm tới ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự xúc động khi biết tại buổi gặp gỡ hôm nay có những giáo viên gắn bó với học sinh khuyết tật suốt 20 năm. “Chúng tôi rất trân trọng tình thương yêu, tâm huyết của các thầy cô giáo dành cho trẻ em khuyết tật. Cả nước ta có 8% người khuyết tật, chính vì thế chăm lo cho người khuyết tật là trách nhiệm xã hội và được ưu tiên".

Cần phải nói rằng dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn. Hơn thế nữa các thầy cô còn phải dạy làm người, dạy nghề cho những trẻ em có sự khiếm khuyết, điều này cần rất nhiều sự nỗ lực và tình yêu thương.

Chính nhờ các thầy cô giáo đã giúp cho nhiều người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, khiến cho xã hội ta văn minh hơn, nhân văn hơn. Rất cảm ơn các thầy cô giáo đã cùng với ngành giáo dục để giảng dạy, chăm lo cho trẻ em", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.

Phó Chủ tịch nước mong rằng các thầy cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp, tiếp tục gần gũi, chia sẻ để các em phục hồi chức năng, có kĩ năng để hòa nhập với cộng đồng. Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tiếp tục được triển khai, phát huy tinh thần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của các nhà giáo ở các lĩnh vực khác nhau.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Bộ GD & ĐT đã tổ chức gặp mặt 48 giáo viên tiêu biểu này.

Đây là hoạt động nằm trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD & ĐT, tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Phong trào nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niện; ghi nhận những cống hiến bền bỉ không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy cô giáo – những người đã giành nhiều thời gia, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trong giai đoạn 2015- 2019.

Chương trình năm nay, sau 2 tháng kể từ khi phát động chương trình (25-7 -  25-9), Ban Tổ chức đã nhận được 48 gương thầy cô giáo từ các tỉnh, thành phố; người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vi Văn Vọng, sinh năm 1961, giáo viên cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn và người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đòan Thị Nhật Phương, sinh năm 1990, giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang, sinh năm 1990, giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; người có thời gian tham gia giảng dạy lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Thái Bình dạy học từ năm 1985 đến nay.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô giáo Trần Tín Nghĩa (Cần Thơ) cho biết mục tiêu của giáo dục khuyết tật là phục hồi chức năng, trang bị kiến thức văn hóa, kiến thức nghề giúp trẻ khuyết tật  hòa nhập cộng đồng, xã hội.

“Tuy nhiên, với thực tế tại trường tôi công tác cho thấy việc trang bị kiến thức văn hóa đạt đực mức tương đối nhưng trang bị nghề thì còn nhiều băn khoăn. Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên trường chỉ dạy được các em nghề may, mỹ nghệ khi ra trường các em xin việc rất khó khăn.

Trong khi các em mong muốn được học nghề mát xa, nail, cắt tóc, hớt tóc… đó là những nghề thiết thực phát huy được vai trò của các em. Mặc dù địa phương cũng đã đồng hành nhưng chưa thường xuyên và còn nhỏ giọt, do đó các em vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều em sau khi ra đời chưa xin được việc lại quay về lao động chân tay. Đáng buồn hơn nhiều em đi xin việc đều bị Doanh nghiệp từ chối.

Nhân dịp này, tôi kính đề nghị Bộ GD & ĐT giúp các em học một số nghề đáp ứng nhu cầu thiết thực. Ngoài, xin tiếng nói của Bộ GD & ĐT làm sao để  khi ra trường các em không bị từ chối khi mang hồ sơ đến các cơ quan, xí nghiệp”, cô giáo Trần Nghĩa Tín chia sẻ. 

Theo N.HUYỀN (Infonet)