Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng: “Giải quyết sự việc cần đảm bảo lợi ích của công nhân và quyền lợi của doanh nghiệp”

12/03/2019 - 07:06

 - Báo cáo nhanh của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, ngày 11-3, từ 7 giờ công nhân của Công ty TNHH May mặc Lu An vào khu vực công ty xem thông báo nội dung thống nhất của Ban Giám đốc công ty giải đáp các vấn đề phản ánh của công nhân ngày 9-3. Đến 7 giờ 30 phút, toàn bộ công nhân vào xưởng theo thời gian quy định.

Khoảng 5 phút sau, công nhân bắt đầu rời xưởng, tập trung tại khu vực nhà ăn của công ty để tiếp tục phản ánh và yêu cầu giám đốc nhà máy phải trực tiếp giải thích (không đồng ý bằng hình thức niêm yết thông báo). Ngay sau đó, Ban Giám đốc công ty, Công đoàn cơ sở công ty, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tiếp nhận và giải thích các nội dung thông báo, các kiến nghị mới của công nhân. Dù công ty và các ngành liên quan đã nỗ lực giải thích nhưng không thỏa mãn người lao động. Do đó, công ty yêu cầu người lao động tuân thủ thời gian vào làm việc trước 8 giờ 30 phút sẽ được xem xét tính lương cho cả ngày 9-3. Công nhân bày tỏ không đồng tình, phần đông vẫn không vào xưởng, phần còn lại vào nhà xưởng nhưng không làm việc. Đến 9 giờ, công ty thông báo cho công nhân nếu không vào sản xuất có thể ra về và không được tính lương. Trong buổi sáng 11-3, lượng công nhân còn ở lại xưởng khoảng 800 người. Văn phòng đại diện Khu công nghiệp Bình Hòa tiếp tục phối hợp địa phương để đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng: “Giải quyết sự việc cần đảm bảo lợi ích của công nhân và quyền lợi của doanh nghiệp”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chủ trì buổi làm việc chiều ngày 11-3

Theo ghi nhận của phóng viên, tuy rời khỏi công ty nhưng phần đông công nhân không ra về ngay mà tập trung trước cổng, bày tỏ bức xúc và kêu gọi những công nhân còn ở bên trong. Đa số công nhân cho biết, không đồng tình với cách giải thích qua thông báo của Ban Giám đốc công ty, một số câu trả lời còn mang tính chung chung, cần cụ thể hơn. Về vấn đề sản lượng trong sản xuất, công ty chỉ hứa “sẽ điều chỉnh”, không nói rõ cụ thể điều chỉnh như thế nào, trong khi tổ trưởng luôn yêu cầu công nhân phải đạt cho bằng được chỉ tiêu. Nhiều công nhân nữ thể hiện bức xúc khi nhắc đến chuyện đi vệ sinh, do phải đợi nhiều người khác, hoặc nhu cầu cá nhân khác nhau, song chủ quản luôn cứng nhắc bấm giờ, nếu vượt quá thời gian thì trừ vào tiền thành tích. Toàn Công ty TNHH May mặc Lu An có 1.418 công nhân, đến chiều 11-3 chỉ còn khoảng 100 người trở lại làm tại công ty và bộ phận văn phòng. Thông tin từ các ngành chức năng, trong số công nhân không trở vào làm, một số do bức xúc, một số cho biết bị đe dọa, kích động nên không dám trở vào công ty.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành để tiếp tục bàn giải pháp xử lý vụ đình công. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định qua làm việc, công ty chưa áp dụng định mức mới, công nhân cũng xác nhận lâu nay vẫn làm theo định mức cũ. Qua kiểm tra, các chế độ của công ty tương đối tốt, quan trọng là cần góp ý cách cư xử của giám đốc, quản lý công ty (chụp hình nữ công nhân tập trung trong nhà vệ sinh, quát tháo ở các chuyền sản xuất, bất đồng trong giao tiếp văn hóa). Qua sự việc này, các sở, ngành cho rằng công đoàn cần theo sát hơn, không để bị động, nắm kịp thời tình hình, tâm tư của công nhân để biết được chủ lao động cư xử như thế nào nhằm kịp thời trao đổi với giám đốc nhà máy xử lý ngay từ đầu, tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng: “Giải quyết sự việc cần đảm bảo lợi ích của công nhân và quyền lợi của doanh nghiệp”

Công nhân rời công ty sáng 11-3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng lưu ý các ngành cần xác định rõ cách giải quyết, từ nay trở đi không để xảy ra đình công nữa, đặc biệt không để sự việc lây lan. Trong giải quyết phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân và quyền lợi của doanh nghiệp. Trước hết, tiếp tục theo dõi tình hình, chỉ đạo Công an huyện tham mưu UBND huyện, tỉnh tùy vào điều kiện, đối tượng để tìm hiểu các thành phần kích động, đe dọa và xử lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo riêng cho UBND tỉnh về việc công ty không tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn chuyên trách thực hiện nhiệm vụ trong doanh nghiệp, không tiếp cận được với người lao động. 

Hôm nay (ngày 12-3), Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động ban giám đốc, người quản lý công ty đối thoại, trả lời cụ thể trước công nhân về định mức, thừa nhận sai sót của mình trong cách ứng xử, khắc phục những hành động phản cảm trong quản lý và xin lỗi người lao động. Đoàn các sở, ngành tiếp tục làm việc, hỗ trợ công ty theo dõi tình hình và có biện pháp phù hợp giải quyết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng vận động, tuyên truyền cho công nhân hiểu về pháp luật, giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và công nhân.

MỸ HẠNH