Phó Thủ tướng: Gia tăng sự chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng

29/03/2018 - 14:21

Sáng 29-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp của Hội đồng, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quý 1/2018.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho biết, ba tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều nét khả quan. Tăng trưởng quý 1/2018 dự kiến đạt 7,41%. Nếu như hai tháng đầu năm lạm phát tăng thì trong tháng Ba đã quay đầu giảm, âm 0,28%, đưa lạm phát bình quân ba tháng đầu năm khoảng 2,68%. Dự báo thu ngân sách vượt trên 3%, chi ngân sách kiểm soát trong phạm vi dự toán thì bội chi năm 2018 còn dưới mức 3,7% theo quy định của Quốc hội. Trần nợ công cuối năm nay dự kiến ở mức 61,4%. 

Theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương thức quản lý thanh toán điện tử, thanh toán trung gian để bảo đảm sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tài chính-công nghệ Việt Nam vào thị trường này. Các bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định về đầu tư công, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công vào tháng 5/2018 để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của nguồn vốn nhà nước đối với sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu điều hành cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề nghị các thành viên của Hội đồng cập nhật tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách này với các chính sách vĩ mô khác; đánh giá việc thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp; các vấn đề cần chú ý về lãi suất, tỷ giá, điều hòa lượng tiền trong lưu thông, khắc phục rủi ro do độ trễ của hệ thống chính sách. 

Phó Thủ tướng mong muốn thành viên Hội đồng tham mưu các giải pháp không chỉ cho năm 2018 mà cả tới năm 2020 để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sự chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng trước các biến động về chính sách tiền tệ trên thế giới, đảm bảo đất nước phát triển bền vững, khắc phục được tính chu kỳ. 

“Khi mọi việc đang tốt, các chuyên gia cố gắng bình tĩnh nhìn xa hơn một chút,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. 

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ, các bộ, địa phương triển khai trong thời gian qua, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao từ quý 3/2017 tới nay và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định, hoạt động thu ngân sách nhà nước diễn ra bình thường, cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao (8 tỷ USD) nhờ xuất siêu hàng hóa, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, vay nợ ổn định. Thị trường chứng khoán trong quý 1/2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị vốn hóa (hơn 4,1 triệu tỷ đồng), vượt mốc lịch sử năm 2017... 

Các ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. 

Các thành viên Hội đồng cũng cho rằng kinh tế thế giới năm 2018 có dấu hiệu hồi phục tích cực, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (khoảng 4%), đồng thời theo dõi sát các diễn biến tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chương trình cải cách thuế của cường quốc này. Thành viên Hội đồng cũng tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế vĩ mô nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững của hệ thống tài chính- ngân hàng trong dài hạn./. 

Theo CHU THANH VÂN (Vietnam+)