Phối hợp trưng cầu giám định tư pháp giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế

08/08/2018 - 05:26

 - Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần giải quyết các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Mới đây, 4 đơn vị: Sở Tư pháp, Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định, để thực hiện quản lý và giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Giám định tư pháp là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử

An Giang hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh), 2 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc (Trung tâm Tư vấn và Kiểm định xây dựng An Giang, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Giao thông An Giang). 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu, với 55 giám định viên (GĐV) tư pháp, gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (GĐ văn hóa), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (GĐ thủy sản, nông, lâm nghiệp), Sở Tài nguyên và Môi trường (GĐ tài nguyên và môi trường), Sở Xây dựng (GĐ xây dựng), Sở Khoa học và Công nghệ (GĐ khoa học và công nghệ), Sở Y tế (GĐ an toàn vệ sinh thực phẩm), Sở Thông tin và Truyền thông (GĐ thông tin và truyền thông), Sở Tài chính (GĐ về tài chính), Sở Công thương (GĐ tư pháp theo vụ việc).

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Trung cho biết: “Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện GĐ trung bình 5.700 vụ việc/năm. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan chuyên môn rà soát, đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm, công bố danh sách các GĐV tư pháp. Nhờ đó, đến nay, các cơ quan chuyên môn đều có GĐV tư pháp, phục vụ, hỗ trợ kịp thời cho các cơ quan tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử khi có yêu cầu”.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhu cầu trưng cầu GĐV thuộc các lĩnh vực không có tổ chức GĐ tư pháp chuyên trách như: lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế… ngoài cơ quan chuyên môn cử GĐ vụ việc, Sở Tư pháp luôn tạo điều kiện, giới thiệu cho cơ quan tiến hành tố tụng tìm kiếm, lựa chọn, trưng cầu các tổ chức, cá nhân phù hợp thực hiện GĐ. Đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp Viện Pháp y quốc gia, Viện Khoa học hình sự (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho GĐV tư pháp của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, việc bổ nhiệm GĐV tư pháp, lập danh sách người GĐ tư pháp theo vụ việc của các sở, ban, ngành còn mang tính thụ động. Đội ngũ làm GĐ tư pháp (nhất là ở những lĩnh vực tài chính, ngân hàng), thiếu, kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để làm GĐ, nên nhiều trường hợp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GĐ…

Ông Trung nhấn mạnh: “Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động GĐ tư pháp còn nhiều bất cập. Quản lý Nhà nước về GĐ tư pháp ở địa phương thuộc trách nhiệm của nhiều sở, ngành, trong đó Sở Tư pháp giữ vai trò đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GĐ tư pháp; trong khi quản lý về con người, trang thiết bị, nghiệp vụ, tài chính thuộc nhiều cơ quan khác nhau nên hoạt động còn manh mún, phân tán, hiệu quả chưa cao”.

Đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ rõ: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ án tham nhũng, kinh tế nổi cộm nhưng khó khăn trong công tác GĐ, xử lý như: vụ Công ty TNHH SX TMDV Thuận An, việc GĐ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu hay việc trưng cầu GĐ liên quan tài chính, ngân hàng, thuế, kế toán gây ách tắc kéo dài, do thiếu GĐV, thiếu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, ngán ngại... nên nhiều vụ việc xử lý kéo dài, gây bức xúc dư luận”.

Ông Trung khẳng định: “Ký kết quy chế phối hợp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GĐ tư pháp thời gian quan; tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước và các sở, ngành liên quan. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm. Quy chế phối hợp sẽ quy định rõ đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, trưng cầu GĐ; trách nhiệm của Sở Tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan liên quan; những trường hợp cần thiết phải trưng cầu GĐ, để các cơ quan tố tụng giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đang gây bức xúc trong dư luận”.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Văn Thìn và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh La Hồng cho rằng: “Quy chế phối hợp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý, công cụ đắc lực phục vụ điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, đảm bảo quá trình điều tra, truy tố kịp thời, khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU