Phòng, chống giông, lốc, sét đánh mùa mưa

23/05/2018 - 06:57

 - Mùa mưa bão đến cũng là lúc các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần chủ động phòng tránh giông, lốc, sét đánh nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và bảo quản tài sản của mình.

Năm 2017 là năm thời tiết diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn An Giang hơn 402 tỷ đồng. Hiện nay đang vào mùa mưa cũng là lúc các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến mạnh, do đó người dân cần chủ động trước những tình huống khẩn cấp xảy ra.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lương Huy Khanh cho biết: “Năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 67 vụ mưa, giông, lốc với tổng thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, sét đánh chết 2 người ở huyện Châu Phú. Giông lốc làm thiệt hại 350 căn nhà, ảnh hưởng đến diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái toàn tỉnh. Do đó, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thời tiết để kịp thời có biện pháp ứng phó hữu hiệu”.

Cần chủ động phòng chống thời tiết cực đoan mùa mưa bão

Theo ông Lương Huy Khanh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 480 cán bộ cấp xã tham gia trực tiếp công tác PCTT và tuyên truyền pháp luật về thủy lợi, các giải pháp PCTT trong năm 2017.

Ngoài ra, đơn vị còn lắp đặt 4 pa-nô và phát 1.000 tài liệu bướm tuyên truyền về các giải pháp PCTT đến người dân. Đặc biệt, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn phối hợp Báo An Giang tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng và ứng phó hạn, xâm nhập mặn, giông, lốc, sét, mưa đá, sạt lở đất và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những ngày qua, giông, lốc đã gây tốc mái trên 150 căn nhà ở các huyện: Phú Tân, Chợ Mới và Châu Phú. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống các hiện tượng giông, lốc, sét đánh.

“Chúng tôi yêu cầu người dân thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết cùng với việc tìm hiểu các kiến thức ứng phó khi hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra. Nắm được những kiến thức này, mọi người có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, hạn chế thiệt hại vật chất do mưa, giông, lốc, sét gây ra” - ông Lương Huy Khanh cho hay.

Ông Khanh khuyến cáo, khi người dân nhận thấy hiện tượng bầu trời bỗng tối đen, mây di chuyển nhanh, xoắn lại với nhau thành hình nón và xuất hiện tiếng gầm rú là nguy cơ giông, lốc xảy ra rất cao. Khi đó, người dân không nên đứng gần, tránh trú dưới những cây to, nhà thô sơ, cột điện để tránh bị va đập, đè bẹp hoặc điện giật. Khi ở nhà cũng không nên đứng gần, thò đầu ra ngoài cửa. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được ở trên nóc nhà khi giông, lốc xảy ra.

Để đảm bảo an toàn, mọi người cần theo dõi các thông tin cảnh báo và quan sát các hiện tượng xảy ra của giông, lốc; không chạy cùng hướng với đường đi của lốc; tìm chỗ trú ẩn an toàn trong nhà, nấp dưới 1 vật nặng và giữ chặt nó; nơi an toàn nhất là tầng hầm hoặc tầng trệt của công trình kiến trúc bằng bê-tông; ngắt nguồn điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn; tắt tạm thời các thiết bị điện. Nếu đang ở ngoài trời mà gặp lốc xoáy cần nhanh chóng tìm nơi trũng, thấp, nằm sát xuống; trú vào cống hoặc nhảy xuống hố.  

Bộ đội giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau giông lốc

Hiện tượng sét đánh luôn xảy ra bất ngờ, kết hợp với mưa giông, lốc nên rất khó đoán định chính xác. Tuy nhiên, khi đang ở ngoài trời người dân có thể hạn chế nguy hiểm cho bản thân bằng cách tìm nơi trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và nơi có nước. Chủ động tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện; tuyệt đối không sử dụng điện thoại; khi đang ở vùng đất trống cần chủ động tìm vị trí càng thấp càng tốt, ngồi thu mình và không nằm sát xuống mặt đất; không đứng thành nhóm người gần nhau.

Với trường hợp đang ở trong nhà, người dân cần ngắt các thiết bị điện như: ti-vi, máy vi tính, thiết bị điện tử; không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào, các loại dây điện hay cáp điện thoại; hạn chế sử dụng điện thoại khi có giông, lốc, sét; tránh chỗ ẩm ướt như: phòng tắm, bể nước…Ngoài ra, cần bố trí thiết bị chống sét khi xây dựng nhà ở, công trình. Nếu có người bị sét đánh cần nhanh chóng dập tắt lửa trên cơ thể, cấp cứu khẩn cấp. Nếu người bị sét đánh ngất đi, cần hô hấp nhân tạo và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Với việc thời tiết diễn biến phức tạp thời gian qua, người dân cần nắm bắt những thông tin từ các phương tiện truyền thông, chấp hành tốt các yêu cầu, hướng dẫn của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương khi có tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và hạn chế thiệt hại về tài sản.

THANH TIẾN