Phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng

28/06/2019 - 07:48

 - Bên cạnh thực hiện các giải pháp trong kiểm soát bệnh sốt xuất huyết (SXH) thì hoạt động ra quân Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng là giải pháp giúp huy động tổng thể nguồn lực cả cộng đồng và mang tính chủ động cao. Cách làm này đã nâng cao ý thức của người dân chủ động diệt lăng quăng tại hộ gia đình và nâng cao vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống dịch SXH.

Hiện nay đã vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho dịch SXH gia tăng. Trước tình hình đó, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình hay nhằm chủ động phòng, chống SXH, tránh để xảy ra dịch lớn trên diện rộng, đảm bảo sức khỏe nhân dân. Huyện Chợ Mới là một trong những địa phương có số cas mắc SXH cao trong tỉnh. 6 tháng đầu năm đã có 495 cas mắc SXH, không có tử vong. Trong đó có 134 ổ dịch xử lý phối hợp vệ sinh môi trường diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Dịch bệnh xảy ra 18/18 xã, những nơi có số mắc cao là: Mỹ Hội Đông, Tấn Mỹ, Kiến An, Kiến Thành, Long Điền A, Long Điền B. Trung tâm Y tế huyện đã triển khai 7 đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng; 6 đợt giám sát côn trùng SXH định kỳ tại xã Kiến Thành; phối hợp Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện 6 đợt giám sát trọng điểm định kỳ SXH tại xã Kiến An.

Phòng, chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng

Ngành chức năng ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng và truyền thông đến hộ dân về phòng, chống sốt xuất huyết

Các hoạt động phòng, chống dịch đã được Trung tâm Y tế huyện triển khai như: thành lập mỗi xã có đội đặc nhiệm gồm 10 thành viên, do Trưởng trạm Y tế xã làm đội trưởng, có nhiệm vụ xử lý môi trường khi có ổ dịch xảy ra. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng loa phóng thanh lưu động tại nơi có ổ dịch. Mỗi xã tự xây dựng và thực hiện lịch 2 lần/tháng về tuyên truyền, vận động “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch SXH, bệnh do vius Zika”. Đặc biệt, mỗi xã đăng ký triển khai 4 tổ tự quản thực hiện “Tổ tự quản không có lăng quăng”. Trung tâm Y tế huyện còn thành lập 2 đội chống dịch cơ động, 2 đội phun hóa chất chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo cho công tác chống dịch kịp thời, hiệu quả. Đơn vị còn tham mưu Ban Chỉ đạo huyện ban hành văn bản triển khai cho tất cả cán bộ, học sinh đăng ký thực hiện “Nhà không có lăng quăng”.

Cũng áp dụng cách làm phòng, chống dịch bệnh dựa vào cộng đồng, nhiều năm qua, huyện Phú Tân luôn chủ động để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đã ra quân thực hiện 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng. Thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm cas bệnh, xử lý ổ dịch nhỏ lẻ tại cộng đồng, trường học… khống chế kịp thời không để dịch bệnh SXH lan rộng trên địa bàn. Các hộ dân được khuyến khích diệt lăng quăng tại nhà để giảm mật độ sinh sản của muỗi, hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh. Nhờ vậy, số cas mắc SXH trên địa bàn đã giảm so cùng kỳ năm trước.

Trước những dự báo về tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành chức năng và bà con nhân dân luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện chiến dịch. Là cộng tác viên y tế thường xuyên tham gia thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH, ông Huỳnh Giác Nguyên chia sẻ: “Cách làm tôi tâm đắc nhất là Tổ y tế hàng tháng xuống hộ gia đình tuyên truyền, vãng gia khoảng 60 hộ để khảo sát lăng quăng, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà, súc lu, thả cá bảy màu, đậy nắp lu, sau đó tư vấn về bệnh SXH. Nhờ vậy, hầu hết các bà con ở địa phương đều có nhận thức tốt trong phòng bệnh”.

Ghi nhận tại xã vùng sâu Phú Xuân, địa bàn có đông dân cư với 1.536 hộ dân, ý thức tự giác về phòng, chống dịch bệnh SXH ở hộ gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Ngành chức năng có nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc phòng tránh dịch, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền tại hộ gia đình, khuyến khích người dân thay đổi hành vi bằng những thói quen đơn giản hàng ngày. Trưởng Trạm y tế xã Phú Xuân Ngô Hồng Cẩm Loan cho biết, nhờ sự kiên trì trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tác động dần để chuyển biến ý thức của người dân, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn xã đạt hiệu quả tích cực. Đối với những hộ chưa ý thức nhiều thì các cộng tác viên tiếp tục hướng dẫn, thường xuyên xuống hộ gia đình này để tuyên truyền, làm thay đổi hành vi của người dân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.541 cas mắc SXH, tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2018. Những địa phương có số cas mắc bệnh nhiều như: Chợ Mới, An Phú, Châu Thành và TP. Long Xuyên… Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng, cần thiết nhất là mỗi người dân, hộ gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có SXH”.


MỸ HẠNH