Phong trào trồng dược liệu phát triển

07/03/2018 - 01:38

 - Phong trào trồng và nhân giống các loại cây dược liệu đang được nhiều hộ dân trong tỉnh tích cực tham gia. Những tiềm năng kinh tế cây dược liệu mang lại là hướng đi mới nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên tăng cao. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để phát triển các loại cây dược liệu. Tận dụng diện tích đất rừng, ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo (Tịnh Biên) tiến hành trồng sa nhân tím với diện tích khoảng 3.000m2. Theo ông Sơn, sa nhân tím là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao.

“Sa nhân tím sau thời gian 2-3 năm bắt đầu ra hoa, kết trái. Bình quân mỗi ha sa nhân cho năng suất 100-200kg trái khô (50-100kg hạt). Ngoài việc dùng làm dược liệu, sa nhân còn dùng làm gia vị, hương liệu để sản xuất xà phòng, nước gội đầu và xuất khẩu. Vì vậy, không sợ không có đầu ra và giá cả lại ổn định” - ông Sơn chia sẻ.

Trồng sa nhân dưới tán rừng mang lại hiệu quả cao

Cũng như ông Sơn, nhiều cư dân núi Cấm tận dụng diện tích đất rừng, đất đồi để phát triển cây dược liệu, trong đó có cây đinh lăng. Anh Đinh Văn Phi Vân (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) cho biết: “Hiện nay, cây đinh lăng đang tiêu thụ rất mạnh ở thị trường trong và ngoài nước. Tất cả các bộ phận của cây từ thân, cành, lá cho đến rễ đều được thu mua với giá cao. Đinh lăng được các cơ sở y dược thu mua từ 25.000-30.000 đồng/kg (thân, cành và lá). Đối với rễ được mua từ 300.000 - 2 triệu đồng/kg (tùy vào số năm tuổi)”.

Ngoài trồng cây dược liệu tự phát, ND nhiều địa phương đã bắt đầu liên kết với nhau để hỗ trợ sản xuất, tìm đầu ra ổn định, lâu dài. Tại nhiều địa phương của huyện Tri Tôn, việc thành lập các tổ hợp tác trồng cây dược liệu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con ND.

Chủ tịch Hội ND xã Lương Phi (Tri Tôn) Lê Văn Luận cho biết, nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên các loại cây dược liệu ở đây sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, xã đã thành lập được 2 Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cây đinh lăng với diện tích trên 9ha, thu hút 27 người tham gia. Không những bán các sản phẩm từ thân, lá và củ, ND trồng đinh lăng còn bán giống cho ND ở các địa phương khác với giá 5.000 đồng/cây con.

Xã Lương Phi còn phát triển vùng trồng rau tần dày lá với diện tích 20ha, được Công ty Dược Hậu Giang ký hợp đồng bao tiêu với giá 2.700 đồng/kg. Trong đó, tập trung phát triển diện tích ở các ấp: An Ninh, Tà Miệt và Tà Dung. Đây là tín hiệu vui để bà con ND miền núi an tâm phát triển loại cây trồng này.

Cô Nguyễn Thị Tươi (ND ấp An Ninh, xã Lương Phi) cho biết, trồng rau tần dày lá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân 4-5 tấn/công. Với mức giá bao tiêu được công ty đưa ra, sau mỗi vụ thu lãi trên dưới 4 triệu đồng/công.

Hiện nay, ND đang tập trung phát triển các loại cây dược liệu phổ biến như: đinh lăng, dó bầu (trầm hương), các loại ngãi, củ huyền… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý hiếm, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Tỉnh An Giang đang quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến 2020, địa phương duy trì và phát triển mô hình trồng cây dược liệu có sẵn, cùng các vườn ươm cây giống. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu, vùng nguyên liệu cây thuốc gắn với thị trường, tạo thu nhập cho nông dân.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích