Phương án nào cho trạm BOT T2?

24/05/2019 - 07:42

 - Sáng 23-5, trong khi chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục miễn, giảm đối với các phương tiện qua trạm BOT T2 (dù chỉ sử dụng có vài trăm mét Quốc lộ 91), đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đều không đồng ý. Các địa phương đã ra “tối hậu thư” trong vòng 15 ngày phải có giải pháp xử lý bức xúc tại trạm thu phí “cố tình đặt sai vị trí này”.

Xài bao nhiêu, trả bấy nhiêu

Sáng 23-5, tại UBND quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) và Công an TP. Cần Thơ đã cùng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt). Đại diện các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang được mời tham gia, nhưng các cơ quan báo chí bị “cấm cửa” vì lý do “họp kín”. Ngay chính các đại biểu tham dự cuộc họp cũng bị yêu cầu không được chụp hình, ghi âm và tiết lộ nội dung cuộc họp.

Ông Nguyễn Văn Khang trả lời báo chí sau cuộc họp

Tuy nhiên, sự bất hợp lý của trạm BOT T2 khiến nhiều người phải lên tiếng. “Quan điểm của tôi là ủng hộ việc xây dựng cầu, đường theo hợp đồng BOT. Tuy nhiên, vị trí đặt trạm thu phí phải phù hợp, đúng với công trình đã đầu tư. Mấy ngày qua, sau khi thông xe cầu Vàm Cống, trạm BOT T2 liên tục bị tài xế phản ứng khi họ chỉ sử dụng có vài trăm mét Quốc lộ (QL) 91 nhưng lại phải đóng phí toàn tuyến đường nâng cấp (gồm QL91 và QL91B, với tổng chiều dài khoảng 45km). Nếu không sớm giải quyết thỏa đáng thì trạm thu phí này sẽ là nơi thường xuyên bất ổn về an ninh trật tự” - Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Việt Trí phân tích. Ông Trí cho biết, sau khi có cầu Vàm Cống, nhiều phương tiện lưu thông theo hướng Châu Đốc - Tân Châu trước đây đổ về TP. Long Xuyên để di chuyển lên TP. Hồ Chí Minh qua cầu Vàm Cống. Các phương tiện ở những nơi khác cũng về An Giang theo tuyến đường này nên người dân, doanh nghiệp càng bức xúc với “nút thắt” trạm BOT T2.

Ông Trí cho rằng, việc di dời trạm BOT T2 là không khả thi, gây tốn kém không cần thiết. Tuy nhiên, An Giang đề xuất phương án hợp lý hơn là thu tiền theo đúng quãng đường sử dụng. “Đối với các phương tiện qua trạm BOT T2 nhưng không xuống Cần Thơ, mà rẽ QL80 xuống Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống nên phát thẻ mua vé 2.000 đồng/lượt. Trường hợp phương tiện xuống Cần Thơ thì mua đủ 100% vé. Ngược lại, phương tiện từ Kiên Giang và các địa phương khác về An Giang qua cầu Vàm Cống, chỉ cần mua vé 2.000 đồng/300m đường. Như vậy sẽ công bằng hơn cho các phương tiện” - ông Trí đề xuất.

Không thống nhất với phương án giảm phí

Tại cuộc họp, đại diện 4 tỉnh, thành phố (TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) không thống nhất với phương án giảm phí 50% đang áp dụng, mà yêu cầu xử lý theo hướng “xài bao nhiêu mét đường, trả bấy nhiêu tiền”. Các tỉnh cũng yêu cầu trong vòng 15 ngày, Tổng cục Đường bộ cần hoàn chỉnh phương án xử lý trạm BOT T2, trình Bộ GTVT phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang, cho rằng, quy định về vị trí đặt trạm, mức thu, hình thức miễn giảm là thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT, công ty chỉ là “đơn vị thừa hành”. Do đó, trạm BOT T2 vẫn tiếp tục thu phí và thực hiện miễn, giảm cho các phương tiện qua trạm theo hướng dẫn trước đây của Bộ GTVT. Khi phóng viên nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ tháng 12-2017, yêu cầu kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, ông Khang lại nói: “Đó là trách nhiệm của Bộ GTVT, cơ quan thuộc Chính phủ”.

Ông Khang thừa nhận, kể từ ngày 19-5 (khánh thành cầu Vàm Cống), lượng phương tiện qua trạm BOT T2 có tăng lên nhưng “tăng bao nhiêu thì chưa thống kê”. Khi được hỏi về đề xuất của An Giang, ông Khang nói rằng “trách nhiệm xử lý đề xuất là của Bộ GTVT”. Ông Khang cho biết, chi phí đầu tư nâng cấp QL91 và QL91B (thuộc địa phận TP. Cần Thơ) hết 1.720 tỷ đồng. “Mỗi tháng, số tiền thu được từ trạm BOT T1 và T2 hơn 10 tỷ đồng, trong khi tiền lãi ngân hàng 10,5 tỷ đồng, tính ra vẫn đang lỗ. Nếu dời trạm BOT T2, chủ đầu tư sẽ rất khó khăn” - ông Khang nói.

Giải thích này không được các doanh nghiệp chấp nhận. “Khi đầu tư theo hợp đồng BOT, chủ đầu tư phải tính toán được lượng phương tiện đi qua tuyến đường đó, số tiền thu được và thu trong bao nhiêu năm để đảm bảo có lời. Không thể lấy lý do vay tiền làm đường rồi bắt các phương tiện phải trả nợ dùm chủ đầu tư dù chỉ sử dụng chưa tới 1% tuyến đường” - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Huệ (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) Lê Thành Mẫn phân tích. Ông Mẫn cho biết, dù chỉ sử dụng có 5/12 xe tải đi giao hàng xuống Kiên Giang nhưng mỗi năm, công ty phải tốn hơn 100 triệu đồng đóng phí qua trạm BOT T2 (sau khi đã được giảm 50%). “Cầu Vàm Cống thông rồi, doanh nghiệp An Giang càng thiệt hại nhiều hơn khi cầu miễn phí mà phải “lụy trạm”. Chúng tôi không xin được miễn phí nhưng yêu cầu chỉ trả tiền trên quãng đường sử dụng thực tế. Tôi đề nghị đưa hệ thống thu phí tự động vào trạm BOT T2, xe đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu”- ông Mẫn nhấn mạnh.

“Có cầu Vàm Cống rồi nhưng các doanh nghiệp muốn vào An Giang làm ăn, du khách muốn ghé An Giang viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, khám phá Thất Sơn huyền bí… phải nộp tiền qua trạm BOT T2. Điều này quá vô lý” - ông Lê Thành Mẫn bức xúc

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN