Quán cơm 0 đồng vùng biên

03/05/2018 - 21:50

Xuất thân từ nghèo khó nên hiểu được phần nào nỗi vất vả của người dân đồng cảnh tại địa phương, cách nay 5 năm, ông Trần Văn Tài (63 tuổi, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) gom số tiền dành dụm cả đời gửi vào ngân hàng để lấy lãi mở bếp ăn từ thiện, phục vụ hàng trăm suất mỗi ngày.

A A

Quán ăn giữa vùng biên

Được người quen giới thiệu, chúng tôi đã tìm đến quán ăn từ thiện do các lão nông “Hai Lúa” thành lập cách nay đúng 5 năm. Đến vào lúc giữa trưa cũng là thời điểm nhiều người đang ăn cơm sau buổi mưu sinh vất vả. Chờ đợi một hồi lâu mới thấy người ra tiếp chúng tôi, đó là ông Hồ Duy Thọ (63 tuổi, ngụ xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự) - phó ban điều hành quán cơm. Ông Thọ kể rằng, ý tưởng mở quán cơm chay miễn phí là của anh Trần Văn Tài. Một ngày của đầu năm mới, ông được ông Tài mời ra quán giải khát “đàm đạo”. Sau một hồi nói chuyện bâng quơ, ông Tài ngỏ lời: “Anh muốn mở quán cơm từ thiện cho dân nghèo chú nghĩ sao, có tham gia cùng không?”. Trước ý tưởng trên, ông Thọ tiếp lời: “Anh biết tính em làm từ thiện mấy chục năm nay mà. Nhân lực thì dễ kiếm còn tiền lấy đâu ra hả anh?”. Trước câu hỏi trên, ông Tài thú thật với ông Thọ rằng sau bao nhiêu năm chật vật mưu sinh ông đã tích góp được 2 tỷ đồng và vừa gửi vào ngân hàng. Kinh phí mở quán ăn sẽ được lấy từ liền lãi mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Nghe vậy, ông Thọ gật đầu cái rụp vì lại có cơ hội… lo cho thiên hạ.

Ngày hôm sau, ông Tài và ông Thọ lót tót lên UBND phường An Thạnh nhờ hỗ trợ. Sau khi được sự hướng dẫn tận tình của Hội Chữ thập đỏ phường quán ăn mang tên “Quê Hương Hồng Ngự” ra đời vào ngày 3/2/2013. Bếp ăn gồm có 7 thành viên ban điều hành (ông Tài được bầu làm trưởng ban) cùng 7 tổ nấu và phục vụ (tổ 5 - 10 người).

Nói về vị trí mở quán cơm trước đây, ông Thọ cho biết: “Ban đầu, bếp ăn chỉ có 1 nền đất của gia đình anh Tài tại chợ. Cảm kích trước nghĩa cử ấy, chủ hộ kế bên tự nguyện cho mượn 2 nền liền kề trong thời hạn 5 năm. Lúc này, anh Tài cùng tôi và một số bạn chí cốt xây cất cơ sở, mua sắm bàn ghế, vật dụng cần thiết để hoạt động”.

Được biết, kinh tế ông Thọ dựa vào 30 công đất trồng lúa. Ngoài việc chăm lo cho 2 đứa con đang học đại học và phổ thông, ông còn dành nhiều thời gian cho việc làm từ thiện suốt 20 năm qua. Mỗi năm, ông đứng ra vận động kinh phí để cất 4 - 5 căn nhà tình thương cho những gia đình khó khăn tại địa phương. “Làm từ thiện nhiều cái vui lắm, do vậy không làm là chịu không có nổi”, ông Thọ chia sẻ.

Ấm lòng những mảnh đời

Nhân lực tham gia ngày càng đông, nguồn quỹ cũng từ đó tăng lên, bếp ăn ngày càng bén lửa giữa vùng biên. Cơm tại quán được phục vụ liên tục từ thứ hai đến chủ nhật (từ 10 - 12 giờ trưa). Thực đơn gồm: món xào, mặn và canh. Thời điểm đầu, bếp ăn được đặt ngay trung tâm chợ với số lượng trên 500 suất mỗi ngày, 3 năm sau được dời lại vị trí mới, đối diện UBND phường, giảm xuống còn trên 250 suất.

Nói về lý do mở quán cơm chay miễn phí, ông Tài cho biết: “Tôi đọc báo thấy không ít người làm từ thiện có hoàn cảnh giống như mình. Vậy tại sao mình không làm được? Làm từ thiện có gì vui? Cứ thế tôi trăn trở nhiều ngày và quyết định mở quán. Sau này, tôi nhận ra làm việc thiện đã mang đến niềm vui thực sự cho bản thân và mọi người xung quanh”.

Không chỉ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, quán ăn còn là điểm tựa cho nhiều học sinh xa nhà. Đang ăn cơm cùng bạn sau giờ tan học, em Trần Nhật Duy (lớp 11 Trường THPT Chu Văn An), cho biết: “Nhà em ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, cách trường hơn 10 cây số nên ngày học 2 buổi không về nhà kịp. Được bạn bè giới thiệu nên em đến đây ăn cơm cũng hơn 1 tháng nay. Cơm ở đây ăn rất ngon lại hợp vệ sinh. Mỗi tuần em ăn tại đây cũng 3 - 4 lần, tiết kiệm được khoản chi phí cho gia đình”.

Do thời hạn mượn đất của người hàng xóm gần hết nên cách nay khoảng 1 năm ông Tài quyết định bỏ ra hơn 1,2 tỷ đồng mua mảnh đất 400m2 xây dựng nhà ăn mới. Sau khi thấy được tấm lòng và việc làm của ông Tài, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp kinh phí để ông và các thành viên trong bếp tiếp tục duy trì hoạt động. Từ 7 tổ phục vụ ban đầu, nay tăng lên 10 tổ luân phiên nấu nướng phục vụ hàng ngày. Tất cả đều đặt chung tấm lòng vì người nghèo không ai đặt vấn đề thù lao.

Theo KIM THOA (Giáo dục & Thời đại)