Quản lý dịch hại trên lúa

08/11/2019 - 08:37

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, đã có gần 1/3 diện tích lúa thu đông bị nhiễm dịch hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình trong khi diện tích thu hoạch chưa nhiều. Quản lý tốt dịch hại vụ thu đông 2019 cũng là cách ngăn mầm bệnh cho vụ đông xuân 2019-2020.

Cần thường xuyên thăm đồng

Năm nay, toàn tỉnh xuống giống 157.478ha lúa thu đông, trong đó có khoảng 13.000ha lúa xuống giống trễ lịch thời vụ. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, tính đến ngày 30-10-2019, nông dân đã thu hoạch 18.260ha, chiếm 11,6% diện tích xuống giống. Các trà lúa còn lại đang tập trung vào giai đoạn đòng - trổ - chín. Từ đầu vụ đến nay, trên lúa thu đông đã xuất hiện 14 đối tượng dịch bệnh, với tổng diện tích nhiễm 43.132ha, mức độ từ nhẹ đến trung bình. Đáng lưu ý, có 1.340ha lúa bị nhiễm muỗi hành (nhiễm nhẹ 725ha, trung bình 342ha, nhiễm nặng 273ha), tập trung trên trà lúa 45 ngày tuổi ở các huyện: Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn và Tri Tôn. “Trong Thời gian tới, có khả năng xuất hiện các đối tượng gây hại như: rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt…” - ông Hiền lưu ý.

Trước tình hình này, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương, cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân tăng cường thăm đồng, sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh. Đối với các diện tích đang bị muỗi hành gây hại, nông dân cần tiếp tục chăm sóc bằng cách bón cân đối phân NPK, các loại phân có chứa Ca, Si cho cây lúa khỏe, tạo nhiều hạt chắc trên bông. Nông dân cần rút nước để hạn chế sự phát triển của muỗi hành, không xử lý thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ thiên địch tự nhiên, ngăn ngừa sự bùng phát của sâu hại và sâu năn.

Cần thường xuyên thăm đồng để quản lý tốt dịch bệnh

Theo đánh giá của Chi cục TT&BVTV, do năm nay nước lũ rút sớm hơn dự kiến nên đối với vụ đông xuân 2019-2020, khả năng xuống giống trước ngày 15-11-2019 khoảng 10.000ha, chủ yếu ở vùng sản xuất 2 vụ/năm và vùng xả lũ ở các địa phương. Đây là diện tích có khả năng lây lan dịch hại từ vụ thu đông 2019 sang như: muỗi hành, rầy nâu… “Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết lạnh, ban ngày trời âm u, đêm và sáng sớm có sương mù hoặc trời có mưa nắng xen kẽ cùng với nắng nóng, khô hạn ở cuối vụ thu đông, một số loài dịch hại có khả năng phát sinh và gây bệnh mạnh trong vụ đông xuân sắp tới như bệnh đạo ôn, vàng lá, lem lép hạt… Các giống nhiễm sâu bệnh nhiều là OM4218, IR50404, Jasmine 85, OM2514, OM5451, OM6073, Nàng Hoa 9…, đặc biệt là ở những ruộng còn tập quán gieo sạ dầy, bón thừa đạm” - ông Hiền cảnh báo.

Tuân thủ khuyến cáo ngành chuyên môn

Nhằm bảo vệ vụ đông xuân 2019-2020, Chi cục TT&BVTV An Giang đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn quan tâm chỉ đạo xuống giống theo khung lịch thời vụ quy định và lịch xuống giống né rầy phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Theo kế hoạch, toàn tỉnh xuống giống khoảng 235.200ha lúa đông xuân. Thời gian xuống giống được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 15-11 đến 31-12-2019 (từ 19-10 đến 6-12 âm lịch). Lịch xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy chia làm 2 đợt: đợt 1 xuống giống từ ngày 15 đến 25-11, tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông sớm, vùng xả lũ và vùng sản xuất 2 vụ/năm; đợt 2 xuống giống từ ngày 12 đến 22-12, tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông đại trà. “Cần tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ, tập trung né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, đẩy mạnh áp dựng các tiến bộ kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tống hợp (IPM), giảm mật độ gieo sạ và lượng phân đạm” - ông Hiền nhắc nhở.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cũng đề nghị tăng cường sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp về phòng, chống dịch hại trên lúa, trên các cây trồng khác và Đoàn công tác về phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và các dịch hại khác trên cây trồng (được thành lập theo quyết định số 188/QĐ-SNN&PTNT, ngày 25-2-2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang) để đảm bảo công tác chỉ đạo sản xuất và quản lý dịch hại ở địa phương. Đối với các Trạm TT&BVTV, các cán bộ phụ trách địa bàn của Chi cục TT&BVTV, cần phối hợp cùng chính quyền địa phương và chỉ đạo, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm diễn biến dịch hại, đặc biệt là các đối tượng có khả năng gây hại nặng ở đầu vụ như: muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá… Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương để thông tin kịp thời tình hình diễn biến của dịch hại cũng như các biện pháp phòng, chống đến người dân; báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh về Chi cục TT&BVT để xử lý…

Vụ đông xuân 2019-2020 có 2 đợt xuống giống tập trung, né rầy: từ ngày 15 đến 25-11 (đợt 1) và từ ngày 12 đến 22-12-2019 (đợt 2)

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN