Quên “Tết riêng” phục vụ “Tết chung”

16/01/2019 - 14:21

 - Cũng như bao người, họ mong muốn có một cái Tết sum vầy bên gia đình, nhưng vì công việc đặc thù nên phải “hy sinh” niềm vui riêng để phục vụ cái chung. Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã góp phần mang đến mùa xuân đủ đầy, trọn vẹn cho người khác.

Tết của những người “leo cao”

Với nhiều người, màu áo vàng của công nhân ngành điện đã trở nên thân thuộc, nhưng mấy ai biết rằng, họ phải gác lại niềm vui riêng để nhà nhà sáng đèn trong những ngày đầu năm. Vào nghề được 6 năm, anh Lâm Nhất Gia (công nhân Điện lực Châu Phú - Công ty Điện lực An Giang) có 5 năm trực Tết ở đơn vị. “Theo quy định, anh em công nhân điện phải trực mỗi người 1 ngày ở cơ quan để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Lúc đầu hơi buồn, sau đó tôi xác định rõ trách nhiệm phục vụ nhân dân nên luôn hoàn thành tốt công việc. Tôi nghĩ, nếu gia đình mình lỡ mất điện trong ngày Tết thì sẽ rất khó chịu và người khác cũng vậy. Do đó, anh em trong ca trực luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu”- anh Gia chia sẻ.

TP. Long Xuyên Ảnh: THANH HÙNG

Theo anh Gia, những anh, em công nhân trong cơ quan chủ yếu đến từ các địa phương trong tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh nên việc được sum họp gia đình dịp Tết là niềm hạnh phúc rất lớn. “Quê ở Vị Thanh (Hậu Giang) nên mỗi năm đều mong muốn về thăm nhà vào ngày Tết. Nhưng có năm chỉ về được 1 buổi rồi trở lên, bởi mình còn công việc. Trực ở cơ quan có niềm vui riêng. Anh, em cùng ngồi đón Tết tại “mái nhà chung”, cùng uống trà, ăn bánh và tuyệt đối không uống bia, rượu khi đang trực, nếu có sự cố thì lên đường làm nhiệm vụ. Xong ca trực, mình về nhà đón Tết như bao người khác. Hơn nữa, công ty thực hiện đầy đủ chế độ cho anh, em nên mọi người cũng phấn khởi”.

Công nhân điện sẵn sàng làm nhiệm vụ trong ngày Tết

Giám đốc Điện lực Châu Phú Đặng Hữu Thiện thông tin: “Chúng tôi bố trí ngày trực từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết. Mỗi ngày đều có lãnh đạo đơn vị trực cùng anh em, tất cả có 8 người/ca trực. Ngoài ra, còn có những anh em thuộc danh sách ứng trực để sẵn sàng hỗ trợ, nếu có sự cố lớn phát sinh. Vì vậy, anh em tuy ở nhà nhưng chẳng dám đi đâu xa hay thảnh thơi nâng chén rượu xuân như mọi người. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ, bởi niềm vui của chúng tôi là không có sự cố điện xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.

Nhằm tạo điều kiện để anh em vui xuân đón Tết, Điện lực Châu Phú sắp xếp lịch trực theo nguyện vọng của công nhân. Mục tiêu là để mọi người trong đơn vị có một mùa xuân đầm ấm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người con, người chồng, người cha trong gia đình. Bởi thế, Tết của công nhân điện vẫn có những niềm vui riêng.

Tết của công nhân vệ sinh

Chấp nhận chọn cho mình công việc “khó gần” nhưng những công nhân vệ sinh đang thực hiện trách nhiệm xã hội rất cao quý. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng chổi tre của họ đi vào thơ Tố Hữu và sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ. Vào những ngày đầu năm, có ai trong chúng ta tự hỏi họ ăn Tết như thế nào?

 Hơn 23 năm gắn bó với nghề công nhân vệ sinh, ông La Bửu Khít (Xí nghiệp Môi trường Đô thị Tịnh Biên) đã trải qua 22 năm không được đón giao thừa với gia đình. Khi được hỏi về cái nghề “khó gần” của mình, ông Khít khẳng định luôn thấy tự hào với nó. “Nghề nào cũng cao quý miễn mình lao động chân chính. Hơn nữa, tôi đang góp phần làm cho cuộc sống xanh, sạch hơn thì tại sao phải tự ti. Dịp lễ, Tết mà anh em chúng tôi không làm “hết công suất” thì môi trường sẽ ra sao!”- ông Khít bộc bạch.

Theo ông Khít, Tết là lúc lượng rác thải ra nhiều gấp 3-4 lần thường lệ, nên công nhân vệ sinh vất vả hơn. “Những ngày đó, anh em chúng tôi phải làm việc cật lực từ 3 giờ sáng đến tối mịt. Những lúc thấy người ta tất bật chuẩn bị nhà cửa đón Tết, anh em cũng nôn nao. Tuy nhiên, trách nhiệm mình còn đó nên phải làm cho xong. Bởi vậy, mấy năm trước tôi hay để vợ đón giao thừa với sắp nhỏ!” - ông Khít chia sẻ.

Lãnh đạo UBND huyện Tịnh Biên tặng quà động viên công nhân vệ sinh dịp Tết

Giao thừa năm rồi, nhờ xí nghiệp triển khai kế hoạch sớm và anh em công nhân nỗ lực hết mình nên mọi người được về nhà lúc 21 giờ đêm. Năm nay, ông Khít và những đồng nghiệp cũng muốn như thế. Với họ, được ở bên gia đình trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thật hạnh phúc và thiêng liêng. Sau lớp áo công nhân cần lao, họ là người cha, người chồng, người mẹ, người vợ đảm đang và luôn chăm lo, vun vén cho cái Tết đầm ấm của gia đình. Sau đêm giao thừa, mọi người được nghỉ ngày mùng 1, đến mùng 2 phải đi làm như ngày thường, bởi rác không thể ứ đọng lâu ngày.

“Niềm động viên lớn lao của chúng tôi là được công ty, xí nghiệp chăm lo chế độ đầy đủ và lãnh đạo địa phương quan tâm, động viên. Nhờ đó, công việc có vất vả nhưng kinh tế gia đình khá căn bản, có thể đón xuân với niềm vui trọn vẹn. Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng để mang không gian Tết sạch sẽ, khang trang đến mọi người. Mong rằng, mọi người sẽ cùng giữ gìn từng vỉa hè, con phố, bởi chúng tôi phải đổ biết bao mồ hôi để nó sạch, đẹp hơn!”- ông Khít thật lòng.

THANH TIẾN