Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

25/10/2019 - 18:10

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường của Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật được tiếp thu, giải trình và chỉnh lý. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính (khoản 3 Điều 23); quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 3 và khoản 4 Điều 23) trong Luật Tổ chức Chính phủ; về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, mô hình tổ chức chính quyền địa phương, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Phó Chủ tịch Uy ban nhân dân cấp xã loại II và về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng như dự thảo luật, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay đồng thời nâng cáo hiệu quả hoạt động chính quyền cấp cơ sở.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập các tổ chức, đơn vị. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu đồng ý với quy định về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong dự thảo Luật.

Đại biểu Mai Sĩ Diến – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa 

Đại biểu Mai Sĩ Diến – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này phải đạt được mục tiêu xuyên suốt đó là đẩy mạnh phân cấp của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương và ở các chính quyền địa phương cấp trên thì đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương cấp dưới; xây dựng tổ chức, bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện cho các cấp chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện mục tiêu nhiệm vụ yêu cầu; hạn chế việc cấp dưới trình chủ trương, cơ chế, cấp trên thẩm định, phê duyệt chủ trương, cấp trung gian triển khai chủ trương kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương, cơ chế được ban hành.

Đại biểu Mai Sĩ Diễn chỉ rõ qua kết quả xây dựng nông thôn mới vừa được Chính phủ tổng kết cho thấy Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã giao quyền cho chủ động cho chính quyền cơ sở. Trong những năm qua, sự phàn nàn của cấp cơ sở, người dân và doanh nghiệp về thanh tra, kiểm tra và thủ tục hành chính rườm rà mà trong đó có một phần là nguyên nhân của phân cấp, phân quyền không được đẩy mạnh hoặc đã phân cấp, phân quyền nhưng cái gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến chủ trương, phát sinh nhiều cấp trung gian giải quyết, gây ra lãng phí và là rào cản của sự phát triển.

Đại biểu đề nghị quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tổ chức các đơn vị bên trong thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tuy nhiên đối với tổ chức của các đơn vị bên trong thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định để tạo sự linh hoạt, chủ động. Đồng thời, phải quy định số lượng biên chế tối thiểu tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để khắc phục thực trạng tại một số phòng y tế cấp huyện có một hai người ngồi đọc tài liệu hưởng lương hành chính để duy trì sự tồn tại của phòng theo quy định hay sự lèo tèo của các trạm bảo vệ thực vật, thú y của các chi cục.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tán thành với quy định giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đẩy mạnh phân cấp tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng ở nước ta mỗi vùng miền có đặc thù riêng theo đồng bằng, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… các địa phương tùy thực tiễn sẽ bố trí cơ quan chuyên môn phù hợp không ngoài khung cho phép của Chính phủ giao là phù hợp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Nhất trí cao với các quy định về phân quyền, ủy quyền đối với chính quyền địa phương tạo cho địa phương sự chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hạn chế cơ chế xin cho, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng cần quy định cụ thể về các chủ thể ủy quyền và được ủy quyền, gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra để người được ủy quyền thực hiện đúng nội dung được ủy quyền và có thực quyền.

Phát huy được vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số đại biểu phát biểu thống nhất với quy định của dự thảo về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở quận, phường, đồng thời đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013.

Về số lượng cấp Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giữ nguyên quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Một số ý kiến tán thành với phương án quy định lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. 

Đối với quy định về số lượng Phó trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án quy định Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề là làm sao để phát huy được vị trí vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương để thực hiện chức năng nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, cũng như giám sát, kiểm soát quyền lực theo tinh thần của Hiến pháp.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng vấn đề giảm biên chế, giảm cấp phó vẫn cần phải thực hiện ở những nơi cần giảm nhưng điều quan trọng là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ thu hút cán bộ làm đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách các cấp, nâng cao chất lượng tính chuyên nghiệp của đại biểu.

Đại biểu Lưu Văn Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh phải tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, của các phiên họp Hội đồng nhân dân một phần được bảo đảm bởi hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân. Do đó cần phải tăng cường nhân lực, tăng chuyên trách cho Thường trực Hội đồng nhân dân là điều quan trọng.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cũng cho rằng việc tăng thêm chuyên trách cho Thường trực Hội đồng nhân dân mới bảo đảm yêu cầu thực hiện giám sát, thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Sẽ lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại phiên thảo luận đã có 26 đại biểu Quốc hội đăng kí phát biểu ý kiến, 01 đại biểu tranh luận và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo một số vấn đề chính. Qua thảo luận cho thấy đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu để chỉnh lý một số nội dung trong dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Do còn ý kiến khác nhau về quy định số lượng Phó CCủ tịch HĐND cấp tỉnh và số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần phải xin ý kiến bằng phiếu của đại biểu Quốc hội  trước khi biểu quyết thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội được tổng hợp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, trong đó có một số vấn đề mới đặt ra như quyền giải trình của các Ban của Hội đồng nhân dân; cân nhắc hợp lý về thời điểm có hiệu lực của luật để phù hợp với tiến trình Đại hội Đảng các cấp và bầu cử khóa mới.

Theo Quốc hội

 

Liên kết hữu ích