Quy định cụ thể điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp

27/10/2019 - 15:02

Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo chương trình, sáng 28-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 35. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung đã được chỉnh lý và bổ sung về: tên gọi; vị trí, chức năng của dân quân tự vệ; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; Ban chỉ huy quân sự cấp xã...

Giải trình rõ hơn về tên gọi

Tại Kỳ họp thứ 7, một số ý kiến đề nghị sửa tên Luật là "Luật Dân quân, Tự vệ" hoặc "Luật Dân quân và Tự vệ," vì dân quân và tự vệ là hai chủ thể khác nhau, có chế độ, chính sách cơ bản không giống nhau.

Tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cụm từ "Dân quân tự vệ" tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Cụm từ "Dân quân tự vệ" là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang.

Theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức, nhưng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ là thống nhất.

Mặt khác, tên gọi "Dân quân tự vệ" gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.

Tuy nhiên, nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 35.

Cho rằng chức năng của lực lượng dân quân và tự vệ là khác nhau, do đó nguồn kinh phí cho hai hoạt động này sẽ không giống nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra giải trình rõ hơn về tên gọi của dự án Luật.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, nếu viết là dự án Luật Dân quân tự vệ, người đọc sẽ hiểu là một lực lượng nhưng ở đây có hai chủ thể gồm đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức và rất nhiều chế độ, chính sách khác nhau. Vì vậy, cần cân nhắc để giải trình thuyết phục hơn về tên gọi của luật.

Đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả

Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, một số ý kiến cho rằng quy định vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ "là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước" như dự thảo Luật là khó bảo đảm việc thực hiện quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ tài sản của tổ chức, trong đó có cả tài sản của doanh nghiệp.

Tiếp thu nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đồng thời, được Nhà nước Việt Nam công nhận, bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.

Mặt khác, người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp này có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Chính phủ trình chưa quy định chức năng của dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp.

Vì thế, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị thay cụm từ "Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa" bằng cụm từ "chính quyền" như Luật Dân quân tự vệ năm 2009 cho phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; thay cụm từ "tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước" bằng cụm từ "tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân" để bảo đảm bao quát hơn.

Điều 2 dự thảo Luật được chỉnh lý: "Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh."

Liên quan đến tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chỉ rõ việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành và các nghị định của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của tự vệ.

Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên. Các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ phải đăng ký quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu. Do đó, việc quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17) đã được chỉnh lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn. Tuy nhiên, nhiều nội dung cần giải thích rõ.

"Về nguyên tắc, mục đích đảm bảo quốc phòng, an ninh luôn phải được ưu tiên. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư chi phí cho việc tổ chức hoạt động của lực lượng tự vệ phải được tính toán kỹ, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước, không thể ép buộc được," Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu của Luật là giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là một lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, là một lực lượng vững mạnh và rộng khắp, chú trọng ở biên giới, hải đảo nhưng cũng phải đảm bảo tinh gọn, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.

Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phải bám sát tình hình, xu hướng của công tác quân sự quốc phòng, đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)