Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long: Hướng đến vị thế trung tâm ĐBSCL

26/06/2018 - 14:12

Sở Xây dựng tỉnh vừa công bố quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

A A

Theo đó, định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long cơ bản là tỉnh có dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp toàn diện và đến năm 2050 là trung tâm dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phát triển cân bằng và bền vững.

Các đại biểu xem bản đồ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long.

Đồ án quy hoạch với định hướng xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long phù hợp với định hướng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hợp lý, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, quan trọng xây dựng vùng ĐBSCL giàu mạnh.

Ông Trần Hoài Hiệp- Phó Giám đốc Sở Xây dựng- cho rằng: “Đồ án quy hoạch được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho việc lập chương trình phát triển của tỉnh, thành phố, thị xã và thực hiện các bước tiếp theo nhằm thực hiện việc nâng cấp và phát triển TP Vĩnh Long đạt đô thị loại II, TX Bình Minh đạt đô thị loại III vào năm 2020”.

Theo đồ án quy hoạch, định hướng phát triển không gian vùng gồm có khung phát triển vùng tỉnh theo các trục hành lang kinh tế, với các trục dọc QL1, đường sắt cao tốc nối trung tâm TP Hồ Chí Minh qua Vĩnh Long với Cần Thơ, trục Đường tỉnh 901, Đường tỉnh 909. Trục ngang có QL 80, 57, 53; Đường tỉnh 907, 905…

Bên cạnh phát triển không gian đô thị, không gian vùng công nghiệp tập trung cũng được quy hoạch với vùng công nghiệp sạch ở TP Vĩnh Long, Long Hồ; vùng công nghiệp cảng tập trung ở TX Bình Minh, huyện Bình Tân; vùng công nghiệp cảng tập trung ở Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn;…

Cùng với đó, không gian cảnh quan, khu du lịch sinh thái gồm: hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Măng, Cổ Chiên và các kinh rạch… tạo bản sắc cho Vĩnh Long.

Các vùng du lịch cảnh quan ven sông, kinh, rạch, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, cây trái miệt vườn, nuôi trồng thủy sản và các vùng du lịch sinh thái gắn liền với các cù lao được cấu trúc thành các vùng đặc trưng và đan xen giữa các vùng đô thị- công nghiệp, tạo sự phát triển cân bằng.

Trong đồ án này cũng quy hoạch cụ thể phân bố các vùng chức năng về phát triển kinh tế; phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn; các vùng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; vùng nông- lâm nghiệp, thủy sản; hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ… 

Đồng thời chú trọng định hướng bảo vệ môi trường với các giải pháp kỹ thuật để ứng phó tình hình biến đổi khí hậu và ưu tiên bảo vệ môi trường.

Nguồn lực thực hiện đồ án quy hoạch trên là nguồn vốn từ Trung ương, các nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước.

Trong đó, tỉnh cũng rất chú trọng phát huy tối đa nội lực của địa phương, khuyến khích nguồn vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế- giáo dục, văn hóa- thể thao… Cũng như xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư phát triển kinh tế; phát triển, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đồ án quy hoạch rất chú trọng các yếu tố đặc trưng miệt vườn sông nước của tỉnh Vĩnh Long.

Hướng đến vị thế trung tâm khu vực ĐBSCL, ông Trần Hoài Hiệp cho biết: “Tính chất vùng của tỉnh Vĩnh Long là đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Trung tâm kho vận của vùng và có vai trò như một bản lề của 2 trục hành lang kinh tế đô thị ĐBSCL- TP Hồ Chí Minh- Phnom Penh.

Là trung tâm nông nghiệp chuyên canh về lúa và cây ăn trái, nông nghiệp công nghệ cao của vùng. Là trung tâm công nghiệp đa ngành, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao của vùng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ sinh học của vùng và quốc gia.

Đồng thời, là trung tâm thương mại, du lịch sinh thái vùng sông nước, du lịch lịch sử văn hóa và có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng của vùng ĐBSCL.

Theo TRẦN PHƯỚC (Báo Vĩnh Long)