Quyết liệt phòng, chống dịch tả heo Châu Phi

16/05/2019 - 08:01

 - Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi nhưng khả năng lây nhiễm là rất lớn khi “thủ phủ heo” Đồng Nai đã phát hiện bệnh. Tại ĐBSCL, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên công bố có bệnh. Do vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi càng được An Giang triển khai khẩn trương, quyết liệt.

Người tiêu dùng vẫn bình tĩnh

Dù biết bệnh dịch tả heo Châu Phi rất nguy hiểm khi chưa có thuốc phòng bệnh, nhưng qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, bệnh dịch này không lây qua người, tại An Giang chưa xuất hiện bệnh nên chị Dương Ngọc Thanh (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) vẫn yên tâm dùng thịt heo. “Tôi thấy thịt heo trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, được kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ nên mua ăn bình thường, ủng hộ người chăn nuôi đàng hoàng” - chị Thanh chia sẻ.

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên heo ở An Giang vẫn đang thực hiện tốt

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, quý I-2019, sản lượng thịt heo sản xuất đạt 4.021 tấn, tăng 20 tấn so cùng kỳ. Trong khi đàn trâu, bò giảm thì hiện nay, đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 108.000 con, tăng 0,74% so cùng kỳ năm 2018. Những tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng 35.232 con heo. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy, kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, với tổng diện tích gần 5 triệu m2. Riêng đối với heo nhập về tỉnh, các ngành chức năng đã kiểm dịch 5.950 con nhập về nuôi làm giống, thương phẩm, 110.822 con nhập về giết thịt, 1.554 con heo sữa để giết thịt, đồng thời kiểm soát giết mổ 120.261 con heo. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo Châu Phi, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó như: tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc diệt mầm bệnh; thiết lập các chốt chặn với lực lượng liên ngành ngăn chặn việc vận chuyển heo chưa kiểm dịch vào địa bàn tỉnh để mua bán, giết mổ; tuyên truyền sâu rộng cho người nuôi về tính chất nguy hiểm của dịch tả heo Châu Phi…

Siết chặt các cửa ngõ

Bệnh dịch tả heo Châu Phi hiện đang diễn biến rất phức tạp. Điều đáng lo ngại nhất là bệnh đã xuất hiện tại Đồng Nai, nơi được xem là “thủ phủ heo” với tổng đàn hơn 3 triệu con. Địa phương gần đó là Bình Phước đã phát hiện bệnh. Khả năng dịch bệnh lây qua cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh rồi lan xuống ĐBSCL là rất cao. Thực tế, tại tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện bệnh dịch nguy hiểm này nên khả năng lây qua An Giang càng lớn hơn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Thị Thanh Vân cho biết, hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các địa phương đang tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Long Xuyên kết hợp nhân viên thú y phường, xã đã kiểm tra tất cả các chợ, điểm kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Qua đó, phạt cảnh cáo 4 trường hợp, tiêu hủy 4 trường hợp, ký cam kết 1 trường hợp. Tại huyện Thoại Sơn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra các địa bàn trọng tâm (thị trấn Núi Sập, Óc Eo, xã Vĩnh Khánh), phát hiện 14 trường hợp vi phạm bán thịt heo không qua kiểm soát giết mổ với tang vật 319kg thịt heo, xử phạt hành chính hơn 12 triệu đồng. Tại huyện Châu Phú, đội kiểm tra liên ngành đã phát hiện 2 trường hợp vận chuyển heo không có giấy đủ điều kiện vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển (phạt hành chính 3 triệu đồng); tiêu hủy 277kg huyết heo không rõ nguồn gốc; phạt 17,5 triệu đồng đối với 1 trường hợp bơm nước vào heo trước khi giết mổ. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Phú thường xuyên phối hợp kiểm tra tại các chợ ven Quốc lộ 91 như: Bình Mỹ, Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Phú, Mỹ Đức. Tại TP. Châu Đốc, có 4 trường hợp bán thịt heo thiếu dấu kiểm soát giết mổ đã bị xử lý…

Bên cạnh kiểm soát, ngăn ngừa bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan từ các địa phương khác vào An Giang, tỉnh tăng cường kiểm dịch tuyến biên giới để ngăn chặn khả năng lây bệnh từ Campuchia sang. Việc kiểm tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc tại các khu vực: xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Phú Hữu (An Phú); xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (TX. Tân Châu); xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (Tri Tôn)... Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, tình hình dịch bệnh tại các xã biên giới nhìn chung ổn định, chưa phát hiện trường hợp nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN