Quyết liệt xử lý, chủ động phòng ngừa “tín dụng đen”

21/11/2018 - 14:08

Tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” và đòi nợ thuê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại rất mạnh với đủ chiêu trò, kể cả dùng bạo lực, không những đẩy người đi vay tiền vào bước đường cùng mà còn làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp công tác quyết liệt đấu tranh với các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước bẫy “tín dụng đen”.

Chiêu trò cho vay và siết nợ

Các đối tượng cho vay nặng lãi thường sử dụng chiêu bài hấp dẫn để thu hút người cần vay như: Không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu là có tiền ngay trong vài phút với lãi suất dễ chịu... Tuy nhiên, đằng sau lời đường mật ấy là những cái bẫy chết người được giăng sẵn khiến hầu hết những ai lỡ vướng vào sẽ khó lòng thoát ra được, thậm chí có người còn mất trắng tài sản, nhà cửa bởi lãi mẹ đẻ lãi con có thể lên đến trên 280%/năm.

Để bành trướng hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ”, mỗi đối tượng thường sử dụng một nhóm giang hồ với đủ các thành phần bất hảo đi phát tờ rơi, dán quảng cáo trên trụ điện, hộp điện, thành cầu, bờ tường khắp thành phố, la cà làm quen với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư lao động để câu kéo họ vay tiền... Đám này còn thực hiện việc đi thu tiền của các con nợ bằng đe dọa bạo lực. Chúng sẵn sàng tạt sơn, mắm tôm, chất thải, phân tươi... vào nhà con nợ nếu chậm hoặc không có khả năng thanh toán.

Một đối tượng cho vay nặng lãi uy hiếp con nợ trên địa bàn quận 1.

Sự lộng hành của đám giang hồ hoạt động theo sự thuê mướn, chỉ đạo của các đối tượng cho vay nặng lãi không chỉ dừng lại ở các vụ bắt cóc, đánh đập, mà chúng còn thường xuyên gọi điện thoại, có lúc đến tận nhà “con nợ” hăm dọa. Thậm chí, có trường hợp chúng còn dùng hung khí đâm chết cả người thân của “con nợ” khi có hành động ngăn cản sự gây rối của chúng.

Vào khoảng 19h30 phút ngày 8-11 trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 2, quận 3), thấy một nhóm giang hồ kéo đến nhà lớn tiếng chửi bới rồi hành hung đòi mẹ mình phải trả ngay số tiền nợ cả vốn lẫn lãi đã quá hạn, anh Võ Thanh Quân (29 tuổi) đã xông ra tranh chấp tay đôi với các đối tượng để giải cứu mẹ.

Một đối tượng tên Minh trong nhóm giang hồ (sinh năm 1990, quê Thanh Hóa, tạm trú quận 5, TP Hồ Chí Minh) móc dao giấu sẵn trong người đâm vào bụng anh Quân khiến anh này gục ngã ngay tại chỗ. Gây án xong, đám giang hồ lập tức chia thành nhiều hướng chạy khỏi hiện trường. Anh Quân, do vết thương quá nặng, đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận 3 đã vào cuộc điều tra. Đến chiều 9-11, công an đã tóm được tên Minh. Các đối tượng còn lại đang lẩn trốn nên Cơ quan công an tiếp tục truy bắt.

Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh trong buổi họp giao ban tại UBND TP đầu tháng 11 vừa qua thì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là các vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi.

Để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này, Ban Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, qua đó lập danh sách gần 600 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen để củng cố chứng cứ xử lý.

Ngoài ra, Công an TP cũng tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với các công ty đòi nợ, công ty tài chính, các dịch vụ cầm đồ núp bóng để răn đe, đồng thời cảnh báo người dân phải tỉnh táo trước bẫy tín dụng đen bởi vay rồi rất khó thoát ra, không nên nghe lời các đối tượng cho vay nặng lãi và không thế chấp tài sản.

Thực tế trong thời gian qua, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, triệt phá, đưa các đối tượng cho vay nặng lãi cùng đám tay chân là những đối tượng giang hồ ra xử lý trước pháp luật và bước đầu đã xóa sổ được một số băng nhóm.

Nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu bị đối tượng cho vay nặng lãi tạt chất thải rồi dùng sơn vẽ lên tường để khủng bố tinh thần.

Tối 27-10, anh Phạm Thái Kiên (32 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, tạm trú huyện Bình Chánh) trình báo về việc vợ anh là Nguyễn Thị V.A. bị một nhóm người khống chế, đánh đập và bắt đi đâu không rõ. Từ thông tin này, Ban chỉ huy Công an quận 12 đã cử trinh sát hình sự vào cuộc.

Qua công tác xác minh nhanh, trinh sát thu thập được thông tin trước đó chị V.A. có mượn của một người tên Năm số tiền 6 triệu đồng, trả góp mỗi ngày 400.000 đồng trong thời gian 1 tháng. Ngoài ra, chị V.A. còn bảo lãnh cho một số người khác vay của Năm số tiền 70 triệu đồng nhưng đến thời điểm trên đã mất khả năng chi trả.

Từ đầu mối này, các trinh sát nhanh chóng xác định được đối tượng Nguyễn Văn Năm (27 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc) cầm đầu nhóm cho vay nặng lãi cùng đám đàn em cùng quê chuyên đòi nợ thuê bao gồm Trần Văn Tuấn, Phạm Tuyên Hoàng (24 tuổi); Đỗ Văn Chung, Trần Văn Chiến (20 tuổi). Cả bọn đã thực hiện hành vi bắt cóc chị V.A. để đòi nợ. Sau khi củng cố chứng cứ, ngay trong ngày, các trinh sát đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp nhóm đối tượng này đưa về lập hồ sơ xử lý.

Tại Cơ quan công an, lúc đầu Năm cho rằng chỉ mời chị V.A. ra để nói chuyện và hẹn ngày trả nợ. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh quyết liệt của Công an quận 12, Năm buộc phải khai nhận đã cùng một số đối tượng theo dõi trên đường và khi thấy chị V.A. bị hỏng xe thì khống chế đưa đến một quán nhậu ở quận 12 đánh đập rồi buộc chị phải gọi điện thoại cho anh Kiên mang 50% số tiền nợ đến trả thì mới thả về.

Có trường hợp “con nợ” trả lãi nhiều gấp hàng chục lần vốn vay ban đầu nhưng nợ cứ chồng nợ và cuối cùng, khi rơi vào cảnh khánh kiệt thì lặng lẽ bỏ trốn khỏi địa phương. Tuy nhiên, đám cho vay nặng lãi vẫn không tha, chúng cho giang hồ tìm gia đình bắt buộc những người thân phải trả thay rồi dùng hung khí hăm dọa trước khi ấn định ngày thanh toán.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, một giáo viên tiểu học, ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, là một ví dụ. Chiều ngày 12-10, vừa trở về nhà sau giờ lên lớp, chị Hiếu bị nhóm giang hồ khoảng gần chục đối tượng mặt mày hung tợn kéo đến yêu cầu trả nợ.

Khi chị còn đang ú ớ không biết chuyện gì xảy ra thì một đối tượng trong nhóm gầm lên: “Chị chồng mày vay tiền của bọn tao nhưng không chịu trả mà còn bỏ trốn nên mày phải trả nợ thay. Không trả được thì hãy lo mà giữ mạng sống...”. Thấy đám này hung hãn quá, chị Hiếu đành lựa lời tìm kế hoãn binh nhưng ngay đêm hôm sau, nhà chị đã bị ném đủ loại chất thải, mắm tôm...

Sau đó chúng khóa cửa nhốt người mẹ già đang mắc bệnh tim của chị bên trong rồi lấy sơn viết lên tường: “Nhà đang tranh chấp không bán”. Trong lúc quẫn bách, chị viết đơn xin đám giang hồ dãn cho để có thời gian chăm sóc mẹ và xoay tiền trả bớt nhưng không được chấp nhận. Chỉ đến khi Công an quận Bình Tân nắm bắt sự việc, cử trinh sát theo dõi 24/24 giờ thì đám giang hồ kia mới không dám bén mảng đến nữa.

Quyết liệt đấu tranh, tăng cường phòng ngừa

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc công an vào cuộc thì người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tự tìm hiểu để nhận biết được đâu là cho vay nặng lãi nhằm tránh rơi vào cái bẫy của các đối tượng. Người dân cũng cần phải trình báo với Cơ quan công an ngay khi có hiện tượng đe dọa đòi nợ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo phân tích của cơ quan điều tra, với người vay số lượng tiền ít để buôn bán nhỏ lẻ, chi tiêu trong trường hợp cấp bách thì chỉ cần mang giấy tờ tùy thân hoặc sổ hộ khẩu đến thế chấp là có thể vay được một vài chục triệu, thậm chí có nhiều trường hợp chỉ cần chứng minh được đang cư ngụ tại đâu trong thành phố cũng có thể vay được tiền mà không cần hợp đồng hoặc giấy vay nợ.

Các đối tượng cho vay nặng lãi: Năm, Tuấn, Hoàng, Chung, Chiến tại cơ quan Công an.

Với người cần vay số tiền lớn, các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe hoặc nhà trả góp nhưng chỉ cần thế chấp hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân mà không cần làm hợp đồng vay. Khi giao dịch, người vay tiền buộc phải kí giấy bán ô tô, xe mô tô cho đối tượng, sau đó kí hợp đồng thuê lại chính chiếc xe của mình rồi trả tiền thuê hằng tháng với giá cao. Với chiêu trò này, khi công an vào cuộc điều tra sẽ không tìm thấy bằng chứng thể hiện việc vay nợ.    

Về phần người vay nợ, do tâm lý sợ bị trả thù nên mặc dù tiền đã trả lãi cao gấp nhiều lần vốn vay ban đầu, đời sống bị đảo lộn, kinh tế rơi vào cảnh khánh kiệt, tính mạng của chính mình và những người thân trong gia đình bị uy hiếp nhưng khi được mời lên cho lời khai thì hầu như không ai chịu nói thật. Họ thường cho rằng chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong giao dịch mua bán hàng hóa, thiếu tiền thuê phương tiện... giấu giếm chuyện vay và cho vay nặng lãi.

Tại quận 8, công an đã đẩy mạnh công tác đấu tranh với nạn cho vay tín dụng đen, mời về trụ sở hàng chục đối tượng gây rối khi đòi nợ. Tuy nhiên, trong tất cả các vụ việc, do chúng chỉ hợp đồng cho vay tiền bằng miệng với người vay nên chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Công an quận Bình Tân cho biết: Cảnh sát hình sự Bình Tân đã triệt phá được hai băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi có quy mô. Tuy vậy, vẫn còn nhiều đối tượng đang lén lút hoạt động. Việc đấu tranh, triệt phá loại hình tội phạm này tuy gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức nhưng không thể thấy khó mà chùn bước, mà phải quyết tâm đấu tranh đến cùng.

Hiện, Công an TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá tận gốc những băng nhóm tội phạm này, trả lại bình yên cho bà con nhân dân trong thành phố. Nhưng, để đạt hiệu quả cao, rất cần sự hợp tác của nhân dân, nhất là những người lỡ vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Theo ĐỨC CƯỜNG (Công An Nhân Dân)