Rộn ràng mùa cúng đình

29/06/2018 - 07:51

 - Từ giữa tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch), các đình thần đồng loạt tổ chức Lễ Kỳ yên (còn gọi là Lễ Cầu an). Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, xóm làng yên vui… Phần lễ diễn ra trang trọng và tôn nghiêm, còn phần hội là bữa tiệc của cả làng với đủ hoạt động vui chơi sôi nổi. Đi xem Lễ Kỳ yên là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ, thu hút đông đảo người dân khắp nơi về dự.

A A

Đậm nét truyền thống

Trưởng ban Quý tế Đình thần Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang) Phan Văn Tạng cho biết, mỗi vùng đất đều có một vị thần, thường gọi là thành hoàng - người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó... Gắn liền với hoàn cảnh lịch sử, ở nhiều nơi, thần là các bậc trung thần nghĩa sĩ, người có công lao với đất nước, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Trung Trực…

Kỳ yên là 1 trong 2 lễ hội lớn nhất trong năm ở ngôi đình, là dịp để người dân đến chiêm bái, bày tỏ lòng biết ơn với thành hoàng. Chính vì vậy, việc cúng đình không phải nhiệm vụ của riêng Ban Quý tế, mọi người đều xem đó là bổn phận của mình. Không chỉ thể hiện tín ngưỡng dân gian, khá nhiều ngôi đình trong tỉnh từng là “địa chỉ đỏ” nên một số nơi còn thờ Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ của địa phương, bày tỏ sự tri ân của Nhân dân với những người có công giữ nước.

Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi làng, quy mô lễ được tổ chức khác nhau, thực hiện nếp sống tiết kiệm. Đây là dịp bà con trong làng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, mua bán, ôn lại lịch sử ông cha khai hoang xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nghi thức thỉnh sắc trang trọng

Các ngôi đình ngày nay đều giữ lại gần như nguyên bản nghi thức cúng đình từ xưa truyền lại. Mở đầu lễ là nghi thức thỉnh sắc long trọng từ nơi lưu giữ về đình. Trên đường đoàn thỉnh sắc đi qua, người dân lập bàn hương án để phục lạy sắc thần.

Theo những vị cao niên, sắc phong là do vua ban cho các vị thần ở mỗi thôn xóm. Vị thần này bảo hộ dân chúng no ấm, an lành nên sắc phong cũng là niềm tự hào ở mỗi làng, xã.

Bên cạnh đó, còn có lễ cầu thần, túc yết, xây chầu… diễn ra trang nghiêm đúng với trình tự lưu truyền, đặc biệt là cúng thần Nông - vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp mùa màng bội thu. Dưới những mái đình trăm năm, bà con dân làng cùng thể hiện nguyện vọng chính đáng cầu mong một cuộc sống bình an, sung túc, thuận hòa.

Vào những ngày này, đình làng thu hút rất đông người đến, khung cảnh trong đình nhộn nhịp, cờ hoa rực rỡ, người người tấp nập ra vào cúng lễ; đêm đến rộn ràng âm thanh của tiếng kèn, tiếng trống của lễ nghi nhã nhạc.

Hội vui như Tết

Gắn liền với lễ là phần hội gồm các chương trình hát bội, các trò chơi dân gian vui nhộn, thi đấu thể thao thu hút sự theo dõi, cổ vũ của đông đảo người dân. Nhắc đến hội, phải kể đến Lễ Kỳ yên tại Đình thần Bình Thủy (Châu Phú) thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh, nhất là phần hóa trang.

Ban Quý tế đình cho biết, ban đầu hóa trang là hoạt động giải trí nhằm cổ vũ cho các thuyền đua. Trước ngày lễ hội, các thanh niên thiết kế những chiếc bè như kiểu lều trại kiểu dáng đa dạng, trang trí bắt mắt.

Trong 2 ngày diễn ra đua thuyền, họ thả trôi chiếc bè trên sông, cùng nhau ca hát, nhảy múa. Những người có mặt trên bè hóa trang giống như thổ dân, bôi lọ lên mình, trang trí người bằng lá cây... Những hình ảnh đó thu hút hàng chục ngàn du khách hàng năm đổ về tham dự lễ hội.

Phần hội đua thuyền và hóa trang cổ vũ sôi động tại lễ Kỳ yên đình Bình Thủy

Tương tự ở các ngôi đình khác, phần hội là chương trình được người già đến trẻ em trông đợi với hội thi đấu cờ tướng, bóng chuyền, bắt vịt trên sông, kéo co, thi tìm hiểu lịch sử địa phương với giải thưởng hấp dẫn, góp phần cho lễ thêm náo nhiệt. Người dân còn thỉnh lộc ăn từ lễ và mua sắm các dịch vụ “ăn theo” diễn ra trong khuôn viên đình.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý di tích Đình thần Tấn Mỹ (Chợ Mới) Trần Trọng Khiêm, mỗi năm đình được tổ chức long trọng cả 2 phần lễ và hội, giúp gắn kết bà con làng xóm và những du khách gần xa. Và sẽ chưa trọn vẹn nếu lễ thiếu đi tiết mục hát bộ, một loại hình nghệ thuật đặc sắc nay chỉ còn tồn tại trong dịp cúng đình, miếu.

Trong đình bao giờ cũng được thiết kế một không gian rộng, 2 bên là những hàng ghế bậc thang phục vụ người dân thưởng thức từ 2-3 đêm những vở tuồng điển tích cổ như: Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, tiết giao đoạn ngọc, Lưu Kim Đính, San hậu…

Dù ở thành thị hay nông thôn, tín ngưỡng tâm linh luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Vì vậy, cúng đình với những lễ nghi quan trọng được người dân gìn giữ, thể hiện lòng tôn kính với những bậc tiền hiền. Đó là điều kiện để những phong tục, tập quán truyền thống luôn “sống” cùng thời đại.

MỸ HẠNH