Rủi ro từ việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

06/03/2018 - 01:15

 - Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một số người lao động (NLĐ) đem sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đi cầm cố tại các tiệm cầm đồ, ngân hàng, quỹ tín dụng... BHXH tỉnh khuyến cáo, việc cầm cố sổ BHXH không được pháp luật quy định và có thể đem lại rủi ro cho cả người có sổ và người cho vay.

Không cấp lại sổ BHXH nếu bị cầm cố

BHXH tỉnh cho biết, qua rà soát cho thấy, nhiều trường hợp mất sổ thật sự nhưng phát hiện không ít trường hợp mang sổ BHXH đi cầm cố. Sau đó, NLĐ đến cơ quan BHXH để xin cấp lại sổ mới. BHXH tỉnh cho rằng, việc cầm cố sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, người nhận sổ cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan BHXH và cả doanh nghiệp có người tham gia BHXH.

BHXH tỉnh cho biết: theo quy định của Luật BHXH, sổ BHXH được cấp cho từng LĐ để theo dõi việc đóng, hưởng và là cơ sở để giải quyết chế độ cho NLĐ. NLĐ có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH. Pháp luật về BHXH không quy định việc cầm cố sổ BHXH; không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH.

BHXH tỉnh đưa ra lời cảnh báo, nếu NLĐ đem sổ đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ do bị mất, hỏng thì không thuộc trường hợp được cấp lại sổ theo quy định. Cơ quan BHXH sẽ từ chối cấp lại sổ cho NLĐ. Hơn nữa, khi nhận cầm cố sổ BHXH, nếu người đi cầm sổ BHXH báo mất sổ và làm lại sổ BHXH mới, căn cứ vào hồ sơ lưu trữ trên phần mềm quản lý thu, BHXH thực hiện cấp lại sổ BHXH mới, đồng thời thông báo hủy bỏ giá trị sử dụng của những sổ cũ đã bị mất.

Sau 1 năm, NLĐ này “cao tay” cầm sổ BHXH này để đi nhận trợ cấp BHXH 1 lần với đầy đủ giấy tờ thật và người thật. Và tất nhiên, khi đó người nhận cầm sổ BHXH sẽ mất trắng. Do đó, tốt nhất là không nên cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH để tránh các vấn đề pháp lý liên quan.

Cầm sổ BHXH bị xử phạt hành chính 

Theo quy định, người tham gia BHXH được cấp và bảo quản 1 sổ BHXH duy nhất. Trường hợp sổ bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại. Người nhận cầm cố sổ BHXH sẽ không thể được thanh toán bất kỳ chế độ BHXH nào, bởi theo quy định, chỉ có người tham gia hoặc thân nhân của họ mới có thể được hưởng chế độ.

Việc NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ BHXH và người cho vay, nhận cầm cố sổ BHXH. Trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng và bị phát hiện thì NLĐ có thể bị xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi kê khai không đúng sự thật có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Để ngăn chặn tình trạng cầm cố sổ BHXH, BHXH tỉnh sẽ phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để NLĐ, người nhận cầm cố hiểu các hậu quả khi cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH.

Theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 28 của Luật BHXH quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, khi giải quyết hưởng BHXH 1 lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ BHXH, dữ liệu về quá trình đóng BHXH của NLĐ đảm bảo không giải quyết hưởng trùng. Khi cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng BHXH của NLĐ trên phần mềm, nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng. Vì vậy, nếu NLĐ cầm cố sổ BHXH, sau đó được cơ quan BHXH cấp lại sổ với lý do bị mất sổ BHXH, NLĐ đem sổ BHXH cấp lại đi giải quyết BHXH 1 lần để lấy tiền. Khi đó, người nhận cầm cố sổ BHXH sẽ không thể đem sổ đi giải quyết BHXH 1 lần, mặc dù có giấy ủy quyền. Trường hợp NLĐ tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH 1 lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tử tuất, người cầm cố sổ BHXH sẽ không được hưởng theo quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật BHXH.

 

Rủi ro từ việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Nếu sổ BHXH bị mất, hỏng, NLĐ phải thông báo với cơ quan BHXH để xem xét cấp lại sổ BHXH

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích