Rừng vẫn “nóng bỏng”

01/04/2019 - 07:34

 - Nhiệt độ cuối tháng 3 được ghi nhận có lúc lên đến 37oC nhưng trong các cánh rừng vùng Bảy Núi, do nắng nóng, đá hấp thu nhiệt, cây rừng khô quắt, thiếu nước nên nhiệt độ tăng lên 39-40oC. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng đang vào mùa cao điểm trong bối cảnh thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng, mùa khô có thể kéo dài đến cuối tháng 6-2019.

Tích cực bảo vệ

Toàn vùng ĐBSCL đang bước vào mùa khô, hạn khắc nghiệt hơn so năm 2017 và 2018. Tại An Giang, gần như toàn bộ diện tích rừng vùng núi và những cánh rừng tràm đồng bằng đã nâng mức báo động cháy lên cấp V (cấp cháy cao nhất, cực kỳ nguy hiểm). Công tác PCCC rừng được xem là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu, được các ngành, các cấp, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. “Hiện nay, hầu hết các cây rừng đều khô lá, vỏ cây cũng bị khô. Dưới tán rừng, lá rụng dày, tạo lớp mùn đi lún tới bắp chân. Từ đầu mùa khô đến nay, mới xuất hiện 2 cơn mưa không đáng kể. Nước mưa làm cho lá khô, vỏ cây rừng thêm ngấm nước, càng cháy đượm và khó dập tắt khi có lửa” - ông Trần Văn Lương, canh tác rừng ở khu vực núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên) nhận xét.

Ông Lương cho biết, mặc dù thường xuyên kiểm tra, bổ sung nước nhưng các bồn dự trữ nước trên núi vẫn bị vơi đi do nắng nóng. Để chủ động PCCC rừng, những hộ dân canh tác và bảo vệ rừng ở khu vực núi Phú Cường đã dự trữ thêm nước trong ao dưới chân núi. “Ngành kiểm lâm trang bị sẵn máy bơm, ống dây dẫn, phuy đựng nước, can nhựa, dụng cụ dập lửa… tại điểm tập kết để khi xảy ra cháy có sẵn phương tiện tại chỗ. Các lực lượng chức năng cùng người dân đã kiểm tra, vận hành thử để khi có sự cố sẽ ứng phó nhanh” - ông Lương chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết, trong bối cảnh toàn bộ diện tích rừng đồi núi đang ở cấp cháy V, huyện đã treo 23 băng-rôn tuyên truyền, đóng 130 bảng “cấm lửa” tại các khu vực trọng điểm và phối hợp báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Các lực lượng chức năng đã xây dựng 24,7ha đường băng cản lửa ở các khu vực núi Phú Cường, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư; đốt chủ động 8ha các khu vực tiếp giáp với rừng, có khả năng cháy lan vào rừng ở khu vực núi Phú Cường và núi Cấm. “Đối với các bồn dự trữ nước do người dân quản lý, địa phương vận động dân đổ nước vào thường xuyên. Đối với 75 bồn trữ nước ở khu vực trọng điểm nhưng không người quản lý, huyện thuê người gánh nước đổ vào” - ông Huân thông tin.

Đối với rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, Tịnh Biên), có 40/845ha diện tích gò khô có khả năng cháy cao, được tập trung bảo vệ. Đơn vị thuê môi trường rừng là Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch An Giang - Khu du lịch sinh thái Sao Mai Trà Sư đã xây dựng phương án bảo vệ diện tích rừng được thuê (159ha)…

Phát huy “4 tại chỗ”

Tại huyện Tri Tôn, các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao đều được rà soát, kiểm tra thiết bị, phương tiện, thực hiện trực gác rừng 24/24 giờ, triệt để đóng cửa rừng. “Khi xảy ra cháy, phải phát huy cao độ theo phương châm “4 tại chỗ”. Công tác nắm tình hình, diễn biến đám cháy được ưu tiên hàng đầu, tiến hành đồng thời với việc tổ chức dập cháy và bảo đảm thông tin liên lạc liên tục, chỉ huy thống nhất trong quá trình chữa cháy” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, thời tiết nguy hiểm của mùa khô năm nay là nắng nóng kéo dài và khô hạn. “Theo đánh giá của ngành khí tượng thủy văn, mùa khô có thể kéo dài đến cuối tháng 5-2019 mới bắt đầu chuyển mùa mưa. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó khả năng mùa khô kéo dài đến cuối tháng 6 năm nay. Trong công tác PCCC rừng, cần ưu tiên thiết bị, phương tiện, lực lượng tại chỗ. Trong đó chú ý trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy cho các lực lượng tham gia, không để tình trạng người đông nhưng chữa cháy không hiệu quả” - ông Thư lưu ý.

Trong đợt khảo sát công tác phòng, chống hạn hán, bảo vệ rừng mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu đối với hoạt động chữa cháy rừng, cần đảm bảo “chủ động, hiệu quả, an toàn”. Trong đó có cơ chế huy động lực lượng, sức dân, vận hành chỉ huy thống nhất. “Việc vận động người dân đào ao trữ nước như ở khu vực núi Phú Cường là sáng tạo của địa phương. Trong các công trình PCCC rừng, nước và hệ thống giao thông là rất quan trọng. Đối với các công trình đầu tư hồ chứa nước, hệ thống thủy lợi vùng cao, bên cạnh phục vụ PCCC rừng, cần tính toán đến hiệu quả phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất của người dân và phục vụ phát triển du lịch. Cần tăng cường trách nhiệm của địa phương trong triển khai thực hiện, đảm bảo vận hành hiệu quả công trình sau khi được đầu tư” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nhắc nhở.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ vi phạm sử dụng lửa nhưng được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về rừng

NGÔ CHUẨN