Rút gọn biểu giá bán lẻ điện từ 6 xuống 5 bậc

05/11/2019 - 14:08

Phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ.

Trình bày Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam ngày 5/11 tại Hà Nội, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - Chủ nhiệm Đề án cho biết, Biểu giá điện bậc thang với giá tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng rất phổ biến đối với hộ tiêu dùng sinh hoạt dân dụng.

Biểu giá bán lẻ điện giảm còn 5 bậc

Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện chỉ ra rằng, biểu giá điện 6 bậc như hiện hành có phần quá chi tiết, khi cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi nên có thể xem xét gộp lại để đơn giản quá trình tính toán.

Cơ cấu giá bậc thang hiện tại cũng không còn phản ánh phù hợp chi phí và chưa thực sự công bằng giữa các hộ tiêu dùng điện; mức giá thấp của các hộ sản xuất không khuyến khích đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng...

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - Chủ nhiệm Đề án

Đặc biệt, giá điện 1 thành phần đơn giản nhưng ko phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.

Đề xuất và phân tích 3 phương án cải tiến Biểu giá điện hiện hành, gồm Biểu giá điện 3 bậc thang, 4 bậc thang và phương án 5 bậc thang, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho hay, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN giảm nhẹ. Mặc dù phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc nhưng đây là phương án mà hộ từ 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhận định, phương án Biểu giá điện 5 bậc phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá. Khi đó, hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án; việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.

“Nếu lựa chọn phương án cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện theo 5 bậc, người tiêu dùng tại bậc 1 (<101kWh) sẽ phải trả thêm gần 2.800 đồng/tháng; bậc 2 (101-200kWh) sẽ trả thêm hơn 8.300 đồng/tháng. Trong khi đó ở các bậc tiêu dùng điện khác đều có mức trả thấp hơn từ 12.000 - 189.000 đồng/tháng. Phương án này không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ; tuy nhiên, chi tiêu hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo của Chính phủ sẽ tăng khoảng 5,7 tỷ đồng/tháng và doanh thu của EVN sẽ có mức giảm nhẹ”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi chỉ rõ.

Phương án đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện.

Nhận xét về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho rằng, việc gộp các bậc trong biểu giá điện như đề xuất của Đề án là hợp lý vì chênh lệch 2 bậc trong biểu giá 6 bậc cũ không quá nhiều.

“Việc lựa chọn phương án nhiều bậc (5 bậc thay vì 3 hay 4 bậc) cũng đảm bảo được ý đồ của biểu giá bậc thang khi tiêu dùng càng nhiều giá càng cao. Ngoài ra, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay, mức độ chênh lệch của bậc cao nhất và thấp nhất là chưa đủ mạnh để người sử dụng đề cao và nâng cao ý thức tiết kiệm điện”, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nêu rõ.

Giá điện sẽ được điều chỉnh 2 lần/năm

Biểu giá điện hiện tại có khoảng thời gian điều chỉnh là 1 năm, tuy nhiên PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, khoảng thời gian này hơi dài, chưa điều chỉnh theo thời gian (hoặc ít nhất chưa tuân thủ), tạo áp lực lớn cho các lần điều chỉnh.

Do đó, Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam đã đề xuất cải tiến cơ chế biểu giá bán lẻ điện và Luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá. Cụ thể, Đề án đưa ra Chu kỳ giá theo phương án 6 tháng/lần. Ngoài ra, luật hóa cơ chế điều chỉnh giá bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền công khai chu kỳ điều chỉnh giá.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi lý giải, thời điểm điều chỉnh có thể được lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá đề xuất sẽ vào các ngày 1/3 và 1/9 hàng năm.

“Việc điều chỉnh giá cũng có thể diễn ra bất thường, khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi.

Ông Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Hoàn toàn đồng ý với vấn đề Luật hóa chu trình điều chỉnh giá điện, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho rằng, khi thị trường điện thay đổi hàng ngày tsẽ rất cần có chu kỳ điều chỉnh cho phù hợp. Đề xuất điều chỉnh 2 lần/năm là hợp lý.

“EVN đề xuất thời điểm điều chỉnh, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hoặc không thông qua. Tuy nhiên cần phải làm rõ cơ chế điều chỉnh giá, đầu vào như thế nào, tỷ giá ra sao, thời điểm điều chỉnh giá cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước...”, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long lưu ý.

Đồng ý với đề xuất điều chỉnh 2 lần/năm, có thể tăng hay giảm, ông Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định mức giá điều chỉnh có tăng, có giảm, tùy theo các yếu tố đầu vào.

“Cần làm rõ các yếu tố đầu vào để minh bạch giá thành điện. Mỗi kỳ chỉ nên điều chỉnh với tỷ lệ nhỏ ở mức từ 3-5%, từ đó, các hộ tiêu dùng có thể điều chỉnh được hành vi sử dụng điện. Tránh việc điều chỉnh 1 lần nhưng giá điện tăng khá mạnh lên hơn 8% khiến người tiêu dùng phản ứng”, ông Bình lưu ý.

Theo VOV