Sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

15/03/2019 - 21:23

 - Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cách đây 2 năm và công tác triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2019 và kết thúc 25-4-2019.

Đây là cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 của cả nước kể từ năm 1979 và được thực hiện 10 năm/lần, với mục tiêu thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở, mật độ dân cư phân bổ, các chỉ tiêu đặc biệt về dân số (dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, tỷ lệ sinh và tử, học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng lao động việc làm, thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt, môi trường sống của các hộ dân). Từ đó, làm cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho nhiều bộ, ngành, góp phần xây dựng các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong các giai đoạn 2020-2025, 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Đồng thời, kết quả của tổng điều tra giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết với Liên Hiệp Quốc về phát triển dân số, công tác dân số trong tình hình mới.

Quán triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, BCĐ Trung ương tổng điều tra dân số và nhà ở đã có bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc tổng điều tra. Từ năm 2017 đến nay, BCĐ Trung ương đã hoàn thiện về công tác chỉ đạo, triển khai, chuẩn bị nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, công tác tuyên tuyền, phối hợp các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cùng thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra. Về công tác chuẩn bị nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin, đến nay đã có 77 hội nghị tập huấn cấp tỉnh, 2.500 hội nghị tập huấn cấp huyện, lực lượng tham gia tổng điều tra gồm 9.300 giám sát viên các cấp, dự kiến 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra. BCĐTrung ương đã hoàn thiện 2 loại phiếu hỏi tổng điều tra: phiếu điều tra toàn bộ (22 câu hỏi để hỏi toàn bộ dân số) và phiếu điều tra mẫu (gồm 65 câu hỏi sử dụng để hỏi bổ sung thông tin phiếu điều tra toàn bộ tại các hộ mẫu được chọn).

Sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Các công việc như: thiết lập mạng lưới điều tra và bảng kê hộ dân cư, danh sách địa bàn điều tra, sơ đồ nền xã, phường, thị trấn được thực hiện trên trang thông tin điều hành tác nghiệp tổng điều tra. Kết quả lập bảng kê hộ được hoàn thành ngày 20-1-2019 có 217.586 địa bàn điều tra, với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài). Các công việc tiếp theo của tổng điều tra được quan tâm nhất chính là rà soát kỹ lưỡng về nhân sự cho cuộc điều tra, đảm bảo người điều tra thành thạo sử dụng điện thoại, máy tính bảng trong điều tra, lưu trữ và chuyển tải dữ liệu. Tổng cục Thống kê đã nâng cấp máy chủ phục vụ tổng điều tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm bản thân để người dân hợp tác với điều tra viên cung cấp thông tin hoặc chủ động tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở trực tuyến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng BCĐ Trung ương tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhấn mạnh: “Đây là cuộc tổng điều tra với quy mô lớn và tốn rất nhiều kinh phí, thời gian và sức lực, do vậy BCĐ các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện cuộc tổng điều tra một cách chính xác, không chỉ thu thập thông tin về số lượng dân số mà còn phải nắm rõ tình hình dân cư, các chỉ tiêu đặc biệt về dân số, để từ đó có những báo cáo phân tích, đánh giá, sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả như: phát triển các chính sách về nhà ở, dân tộc, chăm sóc sức khỏe, phân bổ ngân sách… Trong quá trình điều tra cần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tổ chức thực hiện, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, thu thập dữ liệu, lưu trữ, tổng hợp và báo cáo. Đồng thời, chú ý đảm bảo an ninh, điều kiện thời tiết, địa hình tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phức tạp; tăng cường công tác tuyên truyền với băng-rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian điều tra để có sự đồng thuận, hợp tác cung cấp thông tin của người dân…”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG