Sẵn sàng cho năm học mới

30/08/2019 - 06:52

 - Năm học 2019-2020 đã bắt đầu. Hơn hơn 427.000 học sinh (HS) các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh đã tựu trường từ 1 tuần nay (riêng cấp học mầm non tựu trường ngày 26-8). Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và huy động toàn xã hội tăng cường triển khai nhiều hoạt động để sẵn sàng cho năm học mới.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp

An Phú là địa bàn đầu nguồn, còn nhiều khó khăn. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão tại đơn vị; do là vùng ngập lũ nên các trường xây dựng kế hoạch đưa rước học sinh trong mùa lũ. Ngành GD&ĐT đã tập trung đầu tư sửa chữa 12 điểm trường, với 67 phòng học, 9 khu nhà vệ sinh. Đến nay, công tác sửa chữa đã hoàn tất đưa vào sử dụng kịp thời năm học mới. Về phòng học, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy, nhất là khối lớp 1 đảm bảo có đủ phòng dạy học 2 buổi/ngày. Các trường trong huyện còn phối hợp Trạm Y tế xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh như: phun xịt muỗi, thuốc diệt khuẩn trong và ngoài khuôn viên trường học. Các trường thực hiện tổng vệ sinh trong trường học; có kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại đơn vị trường học, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra...

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, thực hiện khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 theo Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 21-5-2019 của UBND tỉnh, các trường tiểu học, THCS, THPT tựu trường vào ngày 19-8-2019 và ngày 26-8-2019 đối với các trường mầm non. Để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 3-7-2019  tổ chức “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, trên cơ sở đó, sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong toàn ngành (Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019-2020, hướng dẫn triển khai “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, hướng dẫn tuần lễ sinh hoạt đầu năm học, hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng…).

Ngành GD&ĐT An Giang đặc biệt quan tâm rà soát các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới. Rà soát chính xác nhu cầu phòng học, nhà vệ sinh… đầu tư tu bổ, cải tạo, xây dựng mới phục vụ nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Thực hiện kiểm tra, rà soát để phát huy hiệu quả các trang thiết bị dạy học đã được đầu tư và tăng cường đầu tư phòng học bộ môn. Tăng cường phối hợp các địa phương tiếp tục triển khai công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT theo hướng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương dựa vào đề án quy hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án tại địa phương nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn.

Đến nay, đã hoàn thiện cải tạo, sửa chữa 8 trường THPT (Mỹ Hòa Hưng, Hòa Lạc, Lương Văn Cù, Phú Tân, Trần Văn Thành, Vĩnh Trạch, Cần Đăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm) với tổng vốn 2,1 tỷ đồng; cải tạo sửa chữa lớn 2 trường THPT (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến) với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, hoàn thiện cơ sở vật chất Trường THCS Vĩnh Gia, tổng kinh phí đầu tư 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, trang bị bổ sung cơ sở vật chất 2 trường THPT chuyên (Thoại Ngọc Hầu, Thủ Khoa Nghĩa) từ vốn tài trợ 25 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT triển khai mua sắm, lắp đặt trang thiết bị nhiều phòng bộ môn: Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ và Tiếng nước ngoài, Tin học, với tổng trị giá các gói thầu hơn 17 tỷ đồng; mua sắm thiết bị bàn ghế HS 1.601 bộ (khoảng 3,9 tỷ đồng); mua sắm thiết bị Tin học cho 22 trường THPT (24,1 tỷ đồng); mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường mầm non (6,5 tỷ đồng). Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị triển khai cải tạo, sửa chữa, vệ sinh trường lớp; các cơ sở nội trú, bán trú tổ chức quét dọn, vệ sinh nơi ở, bếp ăn cho HS, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, tay-chân-miệng...

Tăng cường vận động học sinh ra lớp

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng HS bỏ học giữa chừng, nhất là bỏ học trong hè, bằng nhiều giải pháp, quy trình chặt chẽ, trong đó tập trung thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng HS, gặp gỡ vận động HS ra lớp, góp phần ổn định và duy trì sĩ số, ngăn chặn HS bỏ học. Tăng cường hoạt động ôn tập văn hóa hè, bồi dưỡng kiến thức, phụ đạo HS có học lực yếu, có nguy cơ bỏ học, giúp các em tự tin bước vào năm học mới.

Tiến hành gửi giấy báo nhập học (đối với HS lớp đầu cấp), thông báo lịch ôn tập và thi lại đến gia đình những HS chưa đủ điều kiện lên lớp. Phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học và các đoàn thể xét chọn danh sách và thực hiện tặng quà “Tiếp bước đến trường”, cấp phát học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh cuộc vận động “Giúp bạn tới trường”, “Đôi bạn cùng tiến”… Sử dụng đúng mục đích và phát huy tốt các quỹ học bổng “Vì bạn nghèo”, “Nuôi heo đất khuyến học”, “Hũ gạo tình thương”. Phối hợp với Công đoàn giáo dục địa phương đẩy mạnh hoạt động “đỡ đầu HS”…

Năm học này, toàn tỉnh có 737 cơ sở giáo dục sẽ huy động 431.600 HS các cấp học đến trường. Trong đó có 4.300 cháu đi nhà trẻ, 59.500 cháu học mẫu giáo, 190.200 HS tiểu học, 127.000 HS THCS, 50.600 HS THPT. Riêng hệ giáo dục thường xuyên sẽ huy động 6.900 học viên ra lớp hệ THCS và hệ THPT.   

HỮU HUYNH