Săn “cá khủng” trên sông Vàm Cỏ Tây

11/01/2018 - 20:38

Sông Vàm Cỏ Tây chảy dọc vùng biên giới phía Tây Nam tổ quốc không chỉ trù phú, dồi dào sản vật mà còn ẩn chứa vô vàn những điều kỳ thú. Một trong số đó chính là những loài cá có trọng lượng tới vài chục ký lô.

A A

Đời sông nước

Mùa nào thì sinh kế ấy, những người gắn đời mình với sông nước dường như quanh năm suốt tháng không bao giờ rời xa dòng sông vì những lý do khác nhau.

Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Lợi, nay đã 66 tuổi, ở khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ Tây (thị trấn Mộc Hóa cũ, nay là thị xã Kiến Tường, Long An).

Lão ngư trên sông Vàm Cỏ Tây

Với những người dân ở đây, hình ảnh lão ngư gầy gò để mình trần quăng lưới, thả câu dọc hai bờ từ Vàm Cỏ Tây tới rạch Cá Rô đã vô cùng quen thuộc.

Nhà ông ở bên Bình Hòa Tây nhưng từ lâu ông chỉ sống trên ghe, lênh đênh từ Bình Hiệp ngược lên Chùa Nổi, Tuyên Bình rồi xuôi về Bình Hòa, Tân Lập.

“Rất nhiều người đã bỏ khúc sông này, bỏ nghề đánh cá nhưng tôi vẫn vậy. Tới mùa nước đỏ như hiện nay thì thả lưới, thả lờ. Ít thời gian nữa nước xanh thì thả câu, thả dớn. Dù cá tôm đã ít đi rất nhiều nhưng dòng sông này chưa bao giờ phụ bạc, chưa bao giờ thôi mang đến sinh kế cho mình”, ông cười, nhìn dòng sông biên giới êm đềm, nói.

Không thể ngờ rằng, một lão ngư có hình dong khá bình thường lại có một "kho chuyện" thú vị, lạ thường.

Đó là những câu chuyện mà có lẽ, nếu không gắn bó, am hiểu dòng sông này, không thể nào biết và nhớ nổi.

“Với những người sông nước như mình, những con cá to chính là những kỷ niệm sâu sắc nhất. Như cách đây chừng hai chục năm, cũng vào mùa nước nổi, cứ dăm ba hôm lại nghe có người thả lưới được con cá lóc mười ký, con cá tra hai mươi ký hay con trê vàng mươi ký, rồi cá lăng, cá ngát, cá rô phi năm bảy ký, các ghe đem về bán ở chợ Mộc Hóa mỗi sáng.

Hầu hết những loại cá lớn đó đều được đánh bắt trên sông Vàm Cỏ Tây vì ở đây nước sâu, lại ăn thông với hầu hết các sông lớn khác như sông Tiền, sông bên kia biên giới nữa”, ông Lợi kể tiếp.

Cũng theo ông thì chuyện bắt được những chú cá “khủng” hầu hết đều do cơ duyên nhưng ngày xưa còn dễ thấy chứ ngày nay, năm thuở mười thì mới thấy có người bắt được, do bị đê đường chia cắt và nguồn lợi tự nhiên giảm, ngay cả bên Campuchia cũng ít thì huống hồ gì khu vực sông Vàm Cỏ Tây.

Một con cá tra nặng chừng 15 ký lô ở sông Vàm Cỏ Tây

Ông Lợi vẫn nhớ và kể rành mạch rằng: “Cách đây chừng sáu bảy năm, cũng tầm cuối mùa nước nổi, ban đêm tôi thả lưới câu ở dưới Vĩnh Lợi, gần rạch Cái Môn, trong lúc quay ghe về ngủ thì thấy lưới nặng nặng. Linh tính báo trước có cá lớn nên tôi thả thêm hai bè lưới nữa rồi nhắn cho đứa con cả ở nhà xuống ghe.

Gần sáng, con cá mắc câu rồi mắc thêm lưới nhưng hai cha con chỉ kéo lòng vòng dưới nước chứ không dám đưa lên ghe. Tôi biết những loại cá lớn vậy, sức nó rất mạnh, đưa lên mặt nước nó quật đứt cả lưới lẫn dây câu là bình thường.

Theo kinh nghiệm, tôi quần dưới nước cho cá mệt lử đi. Tôi nhờ thêm mấy người bạn nữa cho tới khi thấy cá có vẻ yếu đi, tôi cùng con trai nhảy xuống nước, bủa một lớp lưới kéo vây cá lại.

Đó là một con cá tra rất lớn, nặng hai mươi bốn ký. Nó dài hơn một thước, đầu to như đầu con heo, mắt như quả trứng gà vậy. Đận đó tôi bán con cá được hai chỉ vàng cho mối quen đưa lên Sài Gòn”.

Đặc sản lóc “khủng”

Mặc dù không nhiều như vùng sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao... nhưng ở lưu vực sông Vàm Cỏ Tây, nhiều năm qua, ngư dân trong vùng cũng bắt được rất nhiều loại cá từ mười đến hai ba chục ký.

Đặc biệt, theo ông Đặng Văn Ba, 67 tuổi, ở xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh, Long An) nhiều năm làm nghề dựng chà bắt cá thì cá lóc khủng sông Vàm Cỏ Tây được coi là một “đặc sản”, nghĩa là rất nhiều những chú cá lóc hàng chục ký được bắt ở ven sông Vàm Cỏ Tây và các kênh, nhánh khác trong khu vực này.

Đây không phải là tình cờ mà do đặc điểm thổ nhưỡng khác biệt của vùng đất này. Mùa mưa thì nước tràn đồng, cá từ sông Tiền sông Hậu hay các nhánh sông Mê Kông đổ về vùng Đồng Tháp Mười và sông Vàm Cỏ Tây.

Đến mùa khô, nước rút đi, các loài cá lớn có xu hướng tìm đến những vùng nước sâu, nước chảy xiết nhưng cá lóc không theo quy luật ấy. Chúng thường tìm tới những vùng nước không quá sâu nhưng lại có nhiều cỏ cây hoang dã để dễ dàng ẩn mình cũng như sinh sản hay bắt mồi. Vì thế, các bưng đồng sâu trũng ven sông Vàm Cỏ Tây như Tràm Chim, đồng cỏ lác, Láng Sen... thường có nhiều cá lóc ẩn náu.

Cá lóc khủng dài gần 1 mét

Ngoài ra, cá lóc là một trong số ít những loài thủy sản có thể sống tốt ở mùa khô, khi bưng đồng sâu trũng ở đây bị nhiễm phèn mặn nặng nề.

Đặc biệt, ngoài cá lóc thông thường thì còn có cá lóc bông (hoa). Với khoảng 2-3 năm tuổi, nguồn thức ăn đầy đủ, trọng lượng của chúng đã đạt xấp xỉ 10kg. “Ngay tại khu vực kênh 79, một nhánh của dòng Vàm Cỏ Tây, tôi vẫn thường xuyên bắt được cá lóc bông khoảng chục ký lô khi dỡ chà. Tuy nhiên, loài cá này rất khôn, phải thật sự khéo léo nếu muốn bắt được chúng”, ông Ba chia sẻ.

Không chỉ ngư dân, nhiều người dân ở đây cũng thỉnh thoảng bắt được những chú cá lóc hàng chục ký ở những bưng đồng hoang, những vùng ngập nước lâu năm.

Nếu là cá lóc được nuôi theo kiểu công nghiệp, trọng lượng chừng hơn chục ký lô cũng không phải là quá lớn. Tuy nhiên, nếu là cá sinh sống tự nhiên, ở trọng lượng đó thực sự là một món quà đặc biệt của sông nước. “Năm ngoái ở đoạn Tân Lập, Tân Thạnh (Long An) có ngư dân lưới được một con cá lóc tới mười một ký lô rưỡi.

Lúc sáng lưới xong thì trưa có khách trên Sài Gòn xuống mua luôn. Họ mua đúng năm triệu. Nghe bảo không phải để ăn mà chỉ để trưng ở trước cửa nhà hàng cho khách coi mà thôi. Thường, cá trắng khi bị bắt lên khỏi mặt nước, sự sống duy trì không lâu nhưng những loại cá đen (như trê, lóc) lại có khả năng sống rất tốt. Thậm chí chúng có thể sống vài năm nếu được nuôi dưỡng đúng cách”, ông Ba kể thêm.

Theo ĐOÀN XÁ (Giáo dục và Thời đại)