Sân chơi cổ vật

19/10/2018 - 06:51

 - Khi cuộc sống có phần ổn định, nhiều người thích quay về những giá trị xưa. Một sân chơi mới do chính 1 người yêu cổ vật vừa được tạo ra để thỏa mãn nhu cầu trưng bày, giới thiệu, trao đổi của những người thích hoài niệm.

Tình yêu gốm Nam Bộ

Nhắc đến địa chỉ số 216 Nguyễn Trường Tộ (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), nhiều người biết đó là quán lẩu cá 658 với món lẩu cá bình dân đặc trưng đã tồn tại vài chục năm qua. Tuy nhiên, nếu chịu khó để ý một chút, dễ nhận biết chủ nhân của quán là người thích hoài niệm xưa. Cột dựng nhà là những thân gỗ tròn to tướng, nền gạch cũ với những viên gạch tàu dày dặn hình chữ nhật, sàn nhà và khung gác phía trên toàn bằng gỗ. Những chiếc đèn măng xông được treo lơ lửng dưới những cây đà gỗ như hoài niệm về thời còn chưa có cả bình ắc-quy. Cặp vách nhà là những khung tủ kính đã cũ, bên trong trưng bày nhiều loại gốm Nam Bộ, từ chén, tô, thố, dĩa cho đến bộ tách trà, chậu, bình bông… cùng những vật bằng đồng xưa. Phía trên vách là những bức tranh đã nhuốm màu thời gian.

“Hồi trước, ba, mẹ tôi nối tiếp truyền thống mua, bán gốm Nam Bộ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được tiếp xúc, học cách phân biệt, định giá trị loại gốm này. Bây giờ, dù chuyển nghề kinh doanh nhưng trong tâm thức tôi vẫn hoài niệm về gốm và các loại đồ vật xa xưa. Hễ nghe ở đâu có đồ cổ, đồ xưa là tôi tranh thủ cùng vài người bạn đi xem, sưu tầm về. Ngồi nhâm nhi tách trà, ngắm nghía những đồ vật từng gắn với tuổi thơ, với ông, bà thời mở đất, thấy lòng mình nhẹ nhàng, thư thái, như quên đi xô bồ của cuộc sống” - ông Nguyễn Hoàng Tấn (chủ quán lẩu cá 658) bộc bạch.

Ông Nguyễn Hoàng Tấn (thứ 3, từ trái qua) tạo sân chơi cho những người có cùng niềm đam mê cổ vật

Ông Nguyễn Hoàng Tấn (thứ 3, từ trái qua) tạo sân chơi cho những người có cùng niềm đam mê cổ vật

Từ niềm đam mê sưu tầm cá nhân, ông Tấn được nhiều người có cùng sở thích biết đến. Ngoài kinh doanh thức ăn phía dưới, ông Tấn còn cho người cháu mở quán cà phê trên lầu theo phong cách trầm, chủ yếu phục vụ cho những ai thích không gian nhẹ nhàng, ngắm cảnh phố phường. Buổi sáng, khi chưa bắt đầu kinh doanh, chỗ ông Tấn trở thành nơi uống trà đàm đạo của nhóm những người đam mê đồ cổ. Dần dần, khi thấy nhu cầu của mọi người tăng cao, ông Tấn quyết định dùng chính ngôi nhà của mình để tạo sân chơi định kỳ với quy mô lớn, tổ chức bài bản hơn…

Phong phú, nhộn nhịp

Ngày chủ nhật (30-9-2018) vừa qua, “đại hội” của những người yêu cổ vật, bon-sai kỳ đầu tiên đã diễn ra tại quán lẩu cá 658 của ông Nguyễn Hoàng Tấn. Ngoài những người đam mê trên địa bàn tỉnh An Giang còn có một số người chơi ở Kiên Giang, Đồng Tháp… mang sản phẩm sang trưng bày, giao lưu, trao đổi. Số người tham gia đông hơn rất nhiều so dự kiến ban đầu nhưng ông Tấn cùng những người bạn “chủ nhà” TP. Long Xuyên vẫn tiếp đón ân cần, chu đáo, tất bật sắp xếp vị trí để ai cũng có chỗ giới thiệu sản phẩm của mình. “Mọi người nói, số người chơi cổ vật, bon-sai trên cả nước rất đông nhưng chưa có sân chơi bài bản, chu đáo cho anh em. Có những nơi tổ chức trưng bày thì lại thu phí nên về lâu dài khó thu hút. Tôi lấy ngôi nhà của mình tạo sân chơi miễn phí cho mọi người. Ai có sản phẩm gì cứ đem đến đây trưng bày, trao đổi thoải mái, chủ yếu là tạo niềm vui chung” - ông Tấn chia sẻ.

Một chiếc máy ảnh xưa được anh Hoàng Râu (TP. Long Xuyên) lưu giữ gần như mới

Dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng sân chơi tại quán lẩu cá 658 rất phong phú, hấp dẫn. Những gian hàng được bày biện đầy bên trong quán, phía trước 2 mặt vỉa hè cặp quán. Số người tham gia trưng bày và khách tham quan khá đông. Tại đây, có nhiều cổ vật, bon-sai quý, độc, lạ, tạo thích thú cho người xem. Có những món đồ gắn với vùng đất Nam Bộ hàng trăm năm trước nhưng vẫn được giữ gìn gần như mới, nguyên vẹn. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi gặp lại bộ bình tích Trúc lâm Thất Hiền (gốm Lái Thiêu), cặp bát hương Long Ẩn của nhà sưu tập (NST) Phú Cường, bộ sưu tập quả cẩn ốc độc đáo của NST Đỗ Quyên, khai rượu cẩn ốc của NST Hữu Phước, bộ sưu tập nhạo rượu (gốm Sài Gòn) của NST Vũ Đức Quang, bù lệt tích gà của NST Nguyễn Lâm, dĩa tích gà của NST Nghĩa (biệt danh Tí gạo)…

Trong khi đó, nghệ nhân Tiến Lâm mang đến chậu bon-sai sam núi được trồng trong chiếc bình gốm “sứt miệng” độc đáo, ông chủ quán Nguyễn Hoàng Tấn đưa ra bộ sưu tập tiền triều Nguyễn quý hiếm cùng các sản phẩm gốm có giá trị, NST Hoàng Râu mang đến chiếc máy chụp ảnh Japan thuộc thế hệ những máy ảnh đầu tiên nhưng vẫn được giữ đẹp như mới. Cùng với đó là các loại đá quý được người xưa chế tác tinh xảo, những bộ lư đồng nguyên thủy, những vật dụng cao cấp được dùng trong các gia đình quyền quý, quan lại khi xưa hay chỉ đơn giản là những chiếc đèn dầu bằng đồng, đèn măng xông đã cũ, vật dụng gốm đã sứt mẻ…

Tất cả tạo nên một sân chơi thú vị, như gợi cho người ta nhớ về những thời xưa cũ, bình tâm để giữ cân bằng trong cuộc sống.

Ngày hội của những người yêu đồ cổ, bon-sai sẽ được duy trì hàng tháng (tổ chức vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng) tại quán lẩu cá 658. Đây là sân chơi miễn phí cho những người đam mê

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN