Sản xuất tàu hủ ky bằng công nghệ tiên tiến

28/03/2018 - 07:06

 - Thời gian qua, nguồn vốn từ các đề án khuyến công của tỉnh đã góp phần hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất (SX) và từng bước gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Điển hình là đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến tại Cơ sở tàu hủ ky Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang).

Anh Nguyễn Hùng Tráng, đại diện cơ sở cho biết, nguyên liệu SX chủ yếu là đậu nành. Để làm tàu hủ ky, phải ngâm đậu nành khoảng 1 tiếng để hạt nở mềm, rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng.

Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 800C; khoảng 7 phút là có thể vớt lấy váng. Sau đó, cứ 4 phút vớt chảo lại nổi váng 1 lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi chảo cạn nước.

Sử dụng công nghệ mới góp phần giảm chi phí sản xuất khoảng 40%

Sử dụng công nghệ mới góp phần giảm chi phí sản xuất khoảng 40%

Nhờ nắm vững kỹ thuật, “bí quyết” SX nên sản phẩm (SP) của Cơ sở Yến Phương luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng trong và ngoài địa phương.

Anh Tráng chia sẻ: “Để SP được người tiêu dùng tin tưởng, khâu quan trọng nhất  là việc chọn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng.Đặc biệt, trong quá trình SX không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, nhờ vậy SP tàu hủ ky của chúng tôi cạnh tranh được với các SP cùng loại và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã”.

Tuy nhiên, theo anh Tráng, việc SX tàu hủ ky theo phương pháp truyền thống thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Do nguyên liệu đốt chủ yếu là củi nên chi phí SX cao, nhiệt độ trong các chảo không ổn định, SP làm ra không đồng đều. Ngoài ra, do sử dụng củi nên SP dễ bị cháy khét, bụi làm ảnh hưởng đến chất lượng…

Năm 2017, được hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh, Cơ sở Yến Phương đã mạnh dạn đầu tư, trang bị 1 nồi hơi với chi phí 330 triệu đồng, công suất 1.000kg/giờ, trong đó cơ sở đối ứng 50%.

Sản phẩm tàu hủ ky của cơ sở Yến Phương

Sản phẩm tàu hủ ky của cơ sở Yến Phương

Sản phẩm tàu hủ ky của cơ sở Yến Phương 

Với việc ứng dụng nồi hơi, cơ sở tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu, giảm được các công đoạn thủ công, giảm chi phí SX và giá thành. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sau 1 năm sử dụng, ông Tráng đánh giá: “Việc sử dụng nồi hơi có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống chảo và lò truyền thống như giảm nhiên liệu đốt khoảng 30% và hạn chế khí thải ra môi trường; chất lượng SP đồng nhất; thời gian SX nhanh hơn; cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, đồng thời tạo ra SP sạch, an toàn đối với người tiêu dùng”.

Ngoài ra, cơ sở còn áp dụng hình thức sấy tàu hủ ky bằng lò thay vì phơi nắng như trước đây, nhờ vậy đảm bảo được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở SX khoảng 40kg tàu hủ ky các loại, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ r ở các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… Thời điểm SP tiêu thụ mạnh vào dịp rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10 (âm lịch) do nhu cầu thị trường phục vụ bữa ăn chay của những người theo đạo Phật.

Ông Tráng cho biết: “Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô SX, hướng tới xây dựng thương hiệu để đưa SP tàu hủ ky nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường”.

Có thể thấy, việc trực tiếp hỗ trợ các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị từ chương trình khuyến công của tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề để các cơ sở phát triển trong thời gian tới. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

ĐỨC TOÀN