Sản xuất thử nghiệm máy thu gom rơm

11/04/2018 - 07:49

 - Gắn bó với nghề nông, 16 năm trực tiếp làm việc trong ngành cơ khí, anh Ngô Văn Tính (sinh năm 1972, chủ Cơ sở cơ khí 2 Tính, ở tổ 3 ấp Tân Hiệp, xã Vọng Thê, Thoại Sơn) hiểu được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp (SXNN). Anh Tính đã SX thành công máy thu gom rơm phục vụ NN. Dự án được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí gần 440 triệu đồng.

Dự án đã hoàn thiện sản phẩm máy thu gom rơm về mẫu mã và cơ chế vận hành, xác lập quy trình SX máy hợp lý. Sản phẩm máy thu gom rơm có khả năng chuyển đổi công năng thành phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản... trong thời gian 30 phút và cần 4 nhân công để thực hiện. Sau khi hoàn thành, dự án có khả năng SX 5 sản phẩm/tháng. Theo đó, anh Tính SX thử nghiệm 10 “Máy thu gom rơm” có công suất làm việc 8ha/máy/ngày, lượng nhiên liệu tiêu hao là 60 lít dầu/ngày (8 giờ) với 3 nhân công. Tính ưu việt của máy thu gom rơm của anh Tính là năng suất đạt đến 8ha/8 giờ (cao hơn 2ha so máy cùng loại trên thị trường), chi phí vận hành 900.000 đồng, giá bán 160 triệu đồng/máy (rẻ hơn so với máy cùng loại trên thị trường).

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, rơm sẽ được thu gom và mang nguồn thu nhập cho nông dân (ND). Cải tiến sản phẩm máy thu gom rơm với bộ phận thu gom rơm có thể tháo rời, nhằm tận dụng sản phẩm vào các mục đích khác như: vận chuyển nông sản, vận chuyển lúa, gạo... giảm thiểu tác động của bụi trong quá trình vận hành bằng cách gắn thêm tấm bạt phủ ở vị trí phun rơm. Đặc điểm nổi bật của sản phẩm là bỏ qua công đoạn cuộn rơm, chỉ thu gom rơm xá, giúp ND ủ rơm làm nấm, làm thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí và công sức. Việc thu gom rơm xá còn khắc phục những khó khăn trong quá trình vận chuyển, có thể vận chuyển được cả đường thủy và đường bộ, với cùng một loại phương tiện có thể vận chuyển được nhiều rơm xá hơn rơm cuộn.

Sản phẩm máy thu gom rơm của Cơ sở cơ khí 2 Tính có những thiết kế hiện đại, dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Chiếc máy này không hoạt động theo cơ chế rơ-mooc phía sau như các dòng máy có mặt trên thị trường hiện nay mà hoạt động theo cơ chế tự hành tự đổ, bộ phận thu gom rơm đặt ở  phía trước giúp người vận hành dễ dàng thao tác, rơm trên ruộng được thu gom sạch hơn. Máy thu gom rơm của Cơ sở cơ khí 2 Tính có nhiều ưu điểm so với máy nhập khẩu: máy sử dụng bánh xích để di chuyển ở những vùng đất có độ lún 15cm. Thùng xe được thiết kế có thể chứa được 5m3 rơm, giúp thiết bị thu gom nhanh, tiết kiệm nhân công. Máy có giá thành rẻ, cấu tạo đơn giản dễ sử dụng, dễ sửa chữa, thiết bị thay thế có thể tìm mua dễ dàng. Công suất hoạt động cao, giảm số lượng nhân công, tỷ lệ gom rơm sạch trên 95% nên việc mở rộng quy mô SX là rất lớn và rất có tiềm năng trong quá trình phát triển kinh doanh.

Anh Tính cho biết: “Đến nay, cơ sở đã cung ứng cho bà con ND các địa phương: An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ hơn 70 máy thu gom rơm. Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm chi phí thuê nhân công thu gom, khắc phục tình trạng thiếu nhân công, giảm giá thành nguyên liệu rơm, giảm chi phí SX cho các nghề trồng nấm, trồng rau màu, chăn nuôi bò”.

Dự án giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân công trong việc gom rơm để trồng nấm rơm; tạo thêm việc làm cho ngành cơ khí NN trong việc SX và chế tạo máy. Tận dụng phế phẩm trong SXNN, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, giảm thiểu khí thải ra môi trường do không phải đốt đồng làm ảnh hưởng đến môi trường Đồng thời, tránh bị ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn cho vụ kế tiếp do rơm rạ chưa phân hủy kịp.

Sản xuất thử nghiệm máy thu gom rơm

Máy thu gom rơm vận hành hiệu quả trên đồng ruộng

Sản xuất thử nghiệm máy thu gom rơm

Sản phẩm máy thu gom rơm hoàn chỉnh

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU